Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Đáng chú ý, các nguyên nhân làm tăng CPI là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá lương thực, thực phẩm.
Lo ngại thiết lập mặt bằng giá mới
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), trong 2 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 5 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít. Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Lo ngại hàng hóa tiêu dùng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. |
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, bước sang tháng 3, mặt hàng xăng dầu và gas tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới. Theo đó, từ ngày 1/3, giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng vượt mức 500.000 đồng/bình 12 kg, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng hơn 500 đồng/lít/kg vào chiều ngày 1/3, giá xăng gần 27.000 đồng/lít - thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới sau nhiều năm. Tỷ trọng đóng góp giá xăng dầu vào chỉ số lạm phát hằng tháng là 0,36%, nghĩa là xăng dầu tăng giá 10% sẽ làm chỉ số lạm phát tăng thêm 0,36 điểm phần trăm.
Trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ cân nhắc tới phương án tăng giá bán sản phẩm. Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay giá xăng dầu tăng đã và đang ảnh hưởng gián tiếp tới ngành lúa gạo, từ khâu vận chuyển, sử dụng máy móc... tới giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào.
Hiện nay, Trung An đang phân phối 50% sản lượng gạo cho xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa như chế biến, gạo thơm cho tiêu dùng. Ông Bình cho biết, nếu giá cả cứ tăng như vậy, doanh nghiệp phải tăng giá bán. Tuy nhiên, việc tăng giá còn phụ thuộc vào nhu cầu đầu ra, nếu nhu cầu lớn, thị trường khả quan thì chúng tôi mới điều chỉnh được. Còn nhu cầu giảm, sản phẩm tăng giá sẽ dẫn tới chuyện khó tìm đầu ra.
Ngăn chặn 'té nước theo mưa'
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho biết sắp tới doanh nghiệp trong ngành này có thể phải điều chỉnh mức giá sản phẩm. Lý do xăng dầu, gas tăng giá kéo theo hàng loạt chi phí khác bị đội lên.
Trước đó, bà Chi cho biết trong năm 2021, giá bột mỳ nhập khẩu về Việt Nam - nguyên liệu chính cho sản xuất mỳ ăn liền đã tăng khoảng 20%. Với nguồn nguyên liệu trong nước do xăng dầu tăng giá, dẫn tới giá cũng bị đội lên khoảng 10-15%. Điều này dẫn tới giá thành sản xuất của ngành lương thực - thực phẩm tăng từ 10-15%.
Mặc dù các doanh nghiệp cho biết vẫn đang cân nhắc mới điều chỉnh giá. Tuy nhiên trên thực tế, giá cả hàng hóa tiêu dùng đã tăng khá mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán, chị Thu Hằng (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, TP. Hà Nội), chia sẻ rất bất ngờ khi giá mỳ tôm Omachi đã lên tới 8.000 đồng/gói, giá dầu ăn cũng tăng lên từ 5.000 - 10.000 đồng/lít... "Bình thường đi chợ ít khi để ý tới giá của những mặt hàng này, nhưng vừa rồi nhìn thanh toán tôi mới giật mình vì mức tăng quá cao", chị Hằng chia sẻ.
Giá xăng dầu tăng cao, chiến sự Nga - Ukraine cũng đẩy giá nguyên liệu sản xuất tăng mạnh. Chia sẻ với VnBusiness,, lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón cho hay giá cả xăng dầu, các loại phí cảng biển gia tăng, cùng với việc chiến sự giữa Nga - Ukraine sẽ đẩy giá cả phân bón tăng trong thời gian tới. Nga là thị trường nhập khẩu phân bón lớn thứ 3 của Việt Nam.
Vị này cho biết, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu phân bón. Trước mắt, giá Kali và DAP sẽ tăng vọt, kế đến là Urea. "Nói chung mọi chi phí phát sinh cũng sẽ được tính vào giá, cuối cùng là người tiêu dùng chịu thiệt", vị này cho biết.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xăng dầu tăng cao thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vì người tiêu dùng phải "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tăng cao và cả xã hội chịu thiệt.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng các doanh nghiệp cần phải tự tính toán, điều tiết để kiểm soát giá thành sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Quản lý giá phải giám sát điều này, vì thực tế vẫn có tình trạng "té nước theo mưa", không chịu tác động nhiều vẫn tìm cách tăng giá.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, giảm một đồng chi phí đầu vào, lợi nhuận của người nông dân sẽ tăng thêm một đồng. Tuy vậy, trong bối cảnh mà giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng vọt, không còn cách nào khác là ngành nông nghiệp phải chuyển sang sản xuất xanh, sử dụng các loại phế phẩm ủ làm phân bón.
"Để không bị cú sốc tăng giá từ mặt hàng phân bón, nhiều nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã ủ phê phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, chi phí đầu vào ít đi mà giá bán lại cao hơn", ông Hoan cho rằng cách làm này cần phải nhân rộng.
Đây chính là làm kinh tế nông nghiệp, bởi giá cả hàng hóa nếu loại trừ yếu tố trục lợi, thao túng thì rõ ràng trong bối cảnh thị trường toàn cầu, mình cần chủ động để ứng biến, thích nghi.
Ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công Thương Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cần chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung-cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính. Đồng thời, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine. Ông Ngô Trí Long Chuyên gia Kinh tế Khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cạn kiệt, thì việc kiến nghị giảm thuế, phí với xăng dầu là cần thiết, vì đang chiếm khoảng 40% giá thành. Điều này cho thấy thuế, phí trong một lít xăng là khá cao, thuế bảo vệ môi trường tuyệt đối, dù xăng tăng hay giảm thì vẫn phải "cõng" thêm gần 4.000 đồng/lít. Do vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON 92 là cần thiết để giảm bớt tác động đầu vào cho nhà sản xuất, hoạt động tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ông Nguyễn Thái Dũng Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Ngay từ cuối năm 2021, siêu thị đã nhận được đề nghị của một số nhà cung cấp với mong muốn được nâng giá sản phẩm ở các ngành như mỳ tôm, dầu ăn, bánh kẹo... với lý do chi phí nhân công, nguyên liệu, phòng dịch và vận chuyển bị đội lên cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có quy trình xét duyệt giá, đàm phán làm rõ nguyên nhân tại sao lại tăng giá. Nếu nhà sản xuất có lý do thuyết phục thì mới được điều chỉnh. |
Nhật Linh