Tháng 6/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 50 nghìn tấn, trị giá 500 triệu USD, tăng 11,1% về lượng và tăng 19,62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 233,63 nghìn tấn, trị giá 2,33 tỷ USD, tăng 22,4% về lượng và tăng 35,82% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm được hưởng lợi khi giá tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 9,96 USD/kg, tăng 0,85 USD/kg so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt 9,98 USD/kg, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ chậm lại, trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn khác tăng trưởng khả quan.
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU tháng 5/2022 tiếp tục tăng mạnh, đạt 8,33 nghìn tấn, trị giá 76,69 triệu USD, tăng 33,2% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 34,5 nghìn tấn, trị giá 301.9 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt 8,1 nghìn tấn, trị giá 97,1 triệu USD, giảm 7,8% về lượng, nhưng vẫn tăng 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt 32,2 nghìn tấn, trị giá 348,5 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 51,5% về lượng và tăng 154,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021 trong tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đạt 25,53 nghìn tấn, trị giá 238,88 triệu USD, tăng 59% về lượng và tăng 127,14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU, Hàn Quốc, Úc, Canada... sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong vài tháng tới có khả năng chậm lại do tác động của tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu.
Đồng thời, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ sẽ chậm lại do nhu cầu nhập khẩu của thị trường giảm. Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ trong tháng 5/2022 cho thấy dấu hiệu thị trường này bắt đầu dư cung. Theo đó, tháng 5/2022, nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đạt 75.484 tấn, trị giá 719 triệu USD, giảm 6% về lượng nhưng lại tăng 5% về trị giá so với tháng 5/2021. Đây là tháng đầu tiên trong vòng 38 tháng gần đây lượng tôm nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm so với kỳ năm trước đó. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ có khả năng chỉ tăng trở lại kể từ tháng 9 và tháng 10/2022 để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp lễ cuối năm.
Ngược lại, với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 được xóa bỏ sau gần 2 năm thực thi.
Tuy nhiên, về cơ cấu sản phẩm, việc lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có khả năng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm tôm cỡ nhỏ có mức giá phù hợp hơn.
Thy Lê