Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay đạt kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước đó.
Xuất khẩu tôm kỳ vọng đạt 1,2 tỷ USD trong quý II/2022. |
Top 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng từ 15-91% trong 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tôm vẫn giữ ổn định tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm nay nhờ nhu cầu thị trường cao và giá xuất khẩu tốt.
Phân tích thị trường Mỹ, VASEP cho hay, đây là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều tôm nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16%. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 291 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ.
Tôm là sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ nhờ dễ chế biến tại nhà và được ưa chuộng trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Mức tiêu thụ tôm trung bình của người Mỹ đạt khoảng 5 pao/người trong năm 2020.
Đối với Nhật Bản, Việt Nam vẫn là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu tôm từ Việt Nam đạt 10,47 nghìn tấn, trị giá 14,1 triệu USD, giảm 7,2% về lượng, nhưng tăng 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi với thị trường Trung Quốc, dịch COVID-19 bùng phát mạnh và chính sách “zero COVID” khiến cho xuất khẩu tôm sang thị trường này gặp nhiều ách tắc. Tuy nhiên, vì nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung tôm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.
Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng bất chấp những thách thức trên. Dự kiến, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc các tháng tiếp theo vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Mặc dù vậy, VASEP cũng chỉ ra một số rủi ro với ngành tôm như thời tiết bất thường làm ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nguyên liệu, chi phí đầu vào như xăng dầu, vật tư sản xuất, tôm giống liên tục tăng, làm bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hay cụ thể với thị trường Mỹ, lạm phát tăng cao, tồn kho nhiều sau khi nhập số lượng lớn những tháng đầu năm có thể khiến nhập khẩu tôm trong tháng 4 và 5 chững lại.
Ở thị trường Nhật, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ như Thái Lan, Indonesia. Nhật Bản nhập khẩu tôm từ thị trường Thái Lan trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 21,4% về lượng và tăng 35,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 8,08 nghìn tấn, trị giá 10,3 triệu USD. Tỷ trọng tôm nhập khẩu từ thị trường Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 15% trong 3 tháng đầu năm 2021 lên 17,1% trong 3 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, VASEP vẫn đặt kỳ vọng, quý II năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,2 tỷ USD.
Thy Lê