Giá tiêu ngày 21/2 dao động trong khoảng 81.500 - 85.000 đồng/kg. |
Hiện, giảm mạnh nhất là tỉnh Gia Lai: giảm 1.500 đồng/kg về mức 81.500 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại.
Các địa phương khảo sát khác đều cùng ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg. Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang thu mua tiêu với giá 82.500 đồng/kg.
Sau biến động, giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang ở chung mức 83.000 đồng/kg.
Tương tự, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng điều chỉnh giao dịch xuống mức tương ứng là 84.000 đồng/kg và 85.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group cho biết, hiện các vùng trồng tiêu trọng điểm đang thu hoạch rộ, giá tiêu trên thị trường tuy có giảm nhưng đánh giá chung thì đây vẫn là mức giá cao. Dự báo giá tiêu có thể tăng lên gần 90.000 đồng/kg và có nhiều dự đoán sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg do sản lượng tiêu năm nay trên thế giới được dự báo là tiếp tục giảm.
Nắm bắt điều này, nhiều hộ trồng tiêu đã hạn chế bán ra mà thay vào đó là chờ giá tiêu tăng thêm để xuất bán. Theo người dân, giá tiêu hiện đã cao nhưng nhưng mức này chưa bù đắp đủ chi phí chăm sóc. Lý giải chi phí trồng tiêu tăng cao, nông dân cho biết là do nguyên liệu đầu vào tăng, trong đó giá phân bón tăng 100%, nhân công tăng từ 180.000 đồng lên 250.000 đồng và hiện vẫn thiếu lao động...
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, giá thành để sản xuất tiêu năm nay tăng cao hơn so với mọi năm. Mặt khác, do dịch bệnh, lượng canh tác giảm, thời tiết thiếu thuận lợi nên sản lượng tiêu năm nay có thể thấp, đẩy giá tiêu tăng đột biến.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang tổ chức 2 đoàn khảo sát tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm để có cái nhìn khái quát về sản lượng vụ tiêu năm nay. Theo phản ánh chung của bà con, năm nay sản lượng tiếp tục giảm do trong năm trước, quá trình sản xuất của người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi thời tiết. Cùng với đó là dịch Covid-19 khiến quá trình chăm sóc bị buông lỏng.
Như Yến