Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tình trạng thiếu lao động hái tiêu đang xảy ra. |
Hiện tại, mức giá thấp nhất là 82.500 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai. Nhỉnh hơn là tỉnh Đồng Nai với mức 83.000 đồng/kg.
Tiếp đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang giao dịch hồ tiêu với chung mức 84.000 đồng/kg.
Tương tự, giá thu mua hồ tiêu tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ổn định tại mức 85.000 đồng/kg và 85.500 đồng/kg.
Hiện, người dân ở một số vùng như Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu đang bước vào thu hoạch tiêu. Gia đình ông Hồ Văn Thuấn (huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) có 1,5ha với gần 2.000 gốc tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo ông Thư, vụ này, vào thời điểm tiêu ra hoa gặp thời tiết mưa nắng thất thường, tỷ lệ đậu trái thấp dẫn đến năng suất tiêu giảm khoảng 20% so với mọi năm. Tuy nhiên, ông Thư vẫn rất phấn khởi bởi giá bán đạt cao ở mức 85.000- 85.500 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Tuy nhiên, điều khiến người trồng tiêu lo lắng đó chính là dù giá tiêu tăng nhưng lao động hái tiêu hiện đang khan hiếm, dù tiền công đã tăng từ 220.000 đồng/ngày lên 250.000 đồng/ngày. Lao động ít sẽ khiến thời gian thu hoạch của người dân phải kéo dài, từ đó chi phí sẽ tăng lên.
Còn về thị trường hồ tiêu, qua các đánh giá về triển vọng vụ mùa năm 2022, các chuyên gia cho rằng sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam, nước sản xuất lớn nhất thế giới liên tiếp giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ Mỹ và châu u tiếp tục cho thấy xu hướng hồi phục. Điều này dự kiến sẽ tác động tích cực đến giá hồ tiêu trong năm 2022 và thậm chí là cả năm 2023.
Thế nhưng chi phí đầu vào như nhân công, phân bón, xăng dầu, giá cước vận tải tăng cao dự kiến sẽ tác động ngược lại lên giá hồ tiêu trong năm 2022. Chính vì vậy, cần những chính sách phù hợp từ Nhà nước để chung tay cùng người nông dân phát triển cây hồ tiêu cả về chất là lượng.
Như Yến