Chia sẻ với VnBusiness, nhiều doanh nghiệp lo lắng từ đầu năm 2022, nhiều mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng tăng mạnh đang tác động lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.
Nỗi lo giá cả "leo thang"
Sau Tết Nhâm Dần, để đáp ứng tiến độ đơn hàng, Công ty CP May xuất khẩu Trường Hoà (Thanh Hoá) phải đưa thêm 2 dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, cùng với đó tuyển thêm gần 200 lao động. Tuy nhiên, giá nhân công tăng thêm 20% so với cùng thời điểm năm ngoái khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực về chi phí.
Có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết. |
“Giá nhân công tăng đúng vào cao điểm sản xuất, cùng với loạt mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá, trong đó "nóng" nhất phải kể đến giá xăng dầu, giá vận chuyển, logistisc cũng đang “leo dốc”. Trong khi đó, giá hàng hoá bán ra không thể điều chỉnh tăng theo do hợp đồng đã được ký kết từ trước, hơn nữa nếu tăng giá sản phẩm sẽ giảm sự cạnh tranh và mất khách hàng. Đây thực sự là sức ép đối với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Hoà, Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Trường Hoà cho hay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng lại kêu trời vì giá thép, xi măng đều biến động. Ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Công ty Tập đoàn Hoàng Hà (Hà Nội) cho biết, sau Tết, một số dự án của công ty khởi công xây dựng, nhưng giá xi măng, sắt thép, giá nhân công tăng hàng loạt trong mấy tháng qua khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu và khách hàng lo lắng giá thành xây dựng sẽ tăng.
Theo tính toán của ông Biên, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…). Như vậy, giá các mặt hàng tăng sẽ khiến mỗi m2 xây dựng tăng 15-20%, từ đó chi phí công trình sẽ "đội" lên từ 10 - 15%.
“Giá hàng loạt các mặt hàng thiết yếu đang tăng, cùng với đó nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Sắp tới, các gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ được “bung” với dự báo của các chuyên gia GDP quý I/2022 tăng khoảng 5-5,5% so với cùng kỳ năm trước, nguy cơ lạm phát sẽ tăng nhanh ngay trong quý này", vị giám đốc này lo lắng.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo lạm phát sẽ đến ngay từ đầu năm. Ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Ngay từ đầu năm, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn, nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng như: giá xăng, dầu liên tục biến động và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng khi nhu cầu của các nước vẫn ở mức cao trong quá trình tái hồi phục kinh tế cũng như thiếu hụt nguồn nhiên liệu từ cuối năm 2021.
"Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Thống kê trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng".
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá
Điển hình, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít, giá dầu tăng thêm từ 660 - 962 đồng/lít/kg.
Hoá giải áp lực tăng giá sau Tết
Nhiều chuyên gia chỉ rõ, năm 2022, nhiều mặt hàng tăng giá, thậm chí tăng cao là dấu hiệu của lạm phát đang hiện hữu, nếu các cơ quan chức năng, Chính phủ không quyết liệt ngăn chặn sớm.
Trước những ý kiến lo ngại về lạm phát, Cục Quản lý giá đưa ra các nhân tố kiềm chế đà tăng giá cả. Theo đó, theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Bên cạnh đó, hiện nay các siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hoá dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân và giá bán vẫn bình ổn.
Từ ngày 1/2/2022, thuế giá trị gia tăng của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ mức 10% xuống còn 8% cũng góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, áp lực lạm phát sẽ đến từ việc giá thịt lợn hiện nay đang ở mức thấp và có thể tăng trong tương lai khi thu nhập và nhu cầu của người dân được cải thiện. Thêm vào đó, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, và giá dịch vụ cũng sẽ gây áp lực lạm phát.
Mặc dù vậy, chuyên gia này tin tưởng lạm phát nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân là bởi mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng.
Nếu tổng sản phẩm trong nước trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra thì dự báo chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2-3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Thanh Hoa