Thị trường hồ tiêu trong nước có ngày giảm giá thứ 4 liên tiếp. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 63.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 62.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 62.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức 64.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 64.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Việc giá tiêu giảm có ảnh hưởng bởi việc hàng vụ mới ra thị trường và đồng USD cao. Sáng nay, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 104,98 điểm, tăng 0,48% so với phiên trước đó.
Nhiều ý kiến nêu vấn đề: một nước mạnh về xuất khẩu nông sản, ngày càng có vai trò lớn đối với thị trường thế giới, nhưng vì lý do gì mà trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều nông sản Việt Nam giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch đáng ngại?
Theo một số chuyên gia, lãi suất ngân hàng cao chính là điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn để thu mua, chế biến để xuất khẩu cà phê.
Với lãi suất cao đến 15-16%/năm như hiện nay, doanh nghiệp khó có thể "trụ" nổi. Và như thế, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các khoản vay từ bên ngoài bằng ngoại tệ có lãi suất thấp hơn nhiều, sẽ ngày càng lấn lướt khu vực doanh nghiệp nội địa.
Giá tiêu tiếp tục giảm khiến người dân có tâm lý găm hàng để chờ giá cao. Thị trường tiếp tục là sự "giằng co" của cung và cầu.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính nhận định, mấy năm vừa qua, sản lượng thừa nên người dân trữ lại trong kho, đến nay mới tiêu thụ gần hết lượng hồ tiêu dự trữ.
Khi hàng trong kho được tiêu thụ hết, thị trường có nhu cầu, nguồn cung thiếu chắc chắn sẽ giúp đẩy giá nên. Tuy nhiên, việc này chưa xảy ra tại vụ mùa năm nay. Nếu có kỳ vọng giá tiêu tăng lên thì phải cuối năm 2023, hoặc đầu năm tới.
Như Yến