Giá tiêu trong nước đã tăng 13 - 15 % so với trước Tết Nguyên đán. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 65.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 64.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 64.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 67.0000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 66.000 đồng/kg.
Có thể thấy, từ sau Tết Nguyên đán, giá tiêu trong nước bắt đầu tăng trở lại khi Việt Nam bước vào thu hoạch rộ vụ mới. Ngay cả giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng được Cộng đồng Hồ tiêu thế giới niêm yết tăng trong tuần qua.
Điều đáng nói là ngay trong vụ thu hoạch nhưng giá tiêu năm nay vẫn tăng. Điều này một phần là do yếu tố lạm phát đang tăng cao, đồng thời Trung Quốc đang quay trở lại mua hàng sau thời gian đóng cửa để thực hiện chính sách Zero Covid.
Hiện nay, giá tiêu trong nước đã tăng 13 - 15 % so với trước Tết Nguyên đán. Người trồng hồ tiêu trong nước đang mong giá tiêu tiếp tục tăng để bù đắp vào giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Đánh giá nhu cầu thị trường có thể thấy, từ tuần trước, lực mua từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc, thậm chí Mỹ và EU đã chậm lại khi giá tiêu trong nước tăng mạnh thời gian qua. Điều này được cho là do họ đang chờ giá thấp hơn khi hàng vụ mới ra thị trường mạnh hơn.
Còn trong nước, dù giá tiêu tăng nhưng người trồng vẫn có tâm lý giữ hàng để đợi giá tăng cao hơn mới bán. Chính vì vậy mà hàng vụ mới đưa ra thị trường vẫn còn chậm và rải rác theo từng địa phương.
Theo các chuyên gia, người mua đang chờ giá thấp hơn trong khi nông dân và thương lái lại đang găm hàng để chờ giá cao. Như vậy, cung – cầu tiếp tục giằng co nên bên nào kiên nhẫn thì bên đó sẽ thắng và có quyền quyết định giá trên thị trường.
Nhiều nhận định cho thấy, thời gian tới, giá tiêu có thể tiếp tục tăng nhưng không mạnh. Giá tiêu sẽ ổn định trong tầm 65.000 - 68.000 đồng/kg, khả năng lên 70.000 đồng/kg đầu tháng 3 là không nhiều.
Như Yến