Giá tiêu đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 65.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 64.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 64.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 67.0000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 66.000 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước tiếp tục tăng nhẹ sau một vài ngày chững lại. Nguyên nhân vẫn được suy đoán do sản lượng không mấy khả quan trong vụ mới.
Tại một số vùng trồng trọng điểm cho thấy, vụ hồ tiêu năm nay cho năng suất kém hơn mọi năm từ 20 - 40%. Trong khi đó, giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công tăng cao.
Thời tiết không thuận lợi, giá vật tư đầu vào tăng nên nhiều người dân bỏ bê chăm sóc dẫn đến tiêu chết và năng suất giảm hơn so với năm ngoái. Theo nhiều người dân, chi phí để sản xuất và thu hoạch được 1kg tiêu hiện đã lên trên 60.000 đồng/kg, trong khi giá tiêu chỉ nhỉnh hơn chút ít thì người dân hầu như không có lãi.
Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, so với giá thành sản xuất của nông dân, giá tiêu đã chạm tới mức nguy hiểm, không thúc đẩy được người dân gắn bó với cây tiêu.
Vụ thu hoạch năm 2022, giá tiêu bán ra tại vườn có mức dao động từ 82.000 - 85.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, ngay từ đầu vụ, giá hồ tiêu bán tại vườn đã giảm mạnh xuống dưới 60.000 đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu dù tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ tích cực hơn trong thời gian còn lại của quý 1/2023 vì lượng tiêu mới thu hoạch khá dồi dào. Đến quý 3 và quý 4/2023, khách hàng sẽ tìm đến các nước sản xuất như Brazil và Indonesia vì đây là thời điểm thu hoạch hồ tiêu của hai nước này.
Như vậy, trong thời gian từ nay đến hết quý 1, giá tiêu có khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhưng tăng đến mức bao nhiêu còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Như Yến