Cụ thể, giá tiêu tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai lần lượt giảm 2.000 đồng/kg và 1.000 đồng/kg, về mức 77.000 đồng/kg và 77.500 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng rời mốc 80.000 đồng/kg, cùng giảm 2.000 đồng/kg về mức 78.000 đồng/kg.
Tương tự, hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt điều chỉnh giao dịch về mức 79.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Như vậy, trái với những dự báo tươi sáng về việc giá tiêu sẽ hồi phục mạnh mẽ, thị trường trong nước những ngày gần đây liên tục giảm, chỉ còn một, hai địa phương là giữ được mốc 80.000 đồng/kg.
Theo giới quan sát, kịch bản đầu tháng 12/2021 có thể đang lặp lại, một số đơn vị đang bán ra lượng tiêu lớn rồi mua vào qua các đại lý chân rết để thao túng giá thị trường, ghìm giá tiêu nội địa.
Nhiều năm nay, theo ghi nhận thực tế, lượng tiêu xuất khẩu quý I năm nào cũng cao, do khách ngoại đặt mua nhiều khi Việt Nam vào vụ thu hoạch mới. Đây được kỳ vọng là đòn bẩy giúp giá tiêu phục hồi tốt ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 263.692 tấn hồ tiêu các loại. So với năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 8,1% nhưng kim ngạch tăng 43,6%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 25.359 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen 18.677 tấn, tiêu trắng 6.682 tấn. So với năm 2020, lượng nhập khẩu giảm 36,4%, kim ngạch giảm 1,8%. Như vậy nhập khẩu tiêu của Việt Nam liên tục giảm trong những năm gần đây.
Như Yến