Sáng ngày 18/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị ngành chăn nuôi tìm giải pháp ứng phó với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Diễn biến giá lợn hơi từ năm 2020 đến nay. |
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2021, giá lợn thịt thế giới chững lại và giảm do sự tăng trưởng nguồn cung của các nước và khu vực có tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, EU và Brazil.
Tại Việt Nam, từ tháng 01/2021 - 8/2021, giá lợn thịt hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 49.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên trên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 giá tăng lên và dao động quanh mức 54.000 - 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 02/2022. Đến cuối tháng 02/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn 53.000 - 56.000 đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022, giá giảm còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Giá lợn thịt hơi xuất chuồng của 3 miền biến động khá thống nhất, không có chênh lệch lớn giữa các vùng, tuy nhiên, do khả năng cung ứng khác nhau, giữa các tỉnh có sự chênh lệnh trong khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg lợn hơi.
Thị trường lợn thịt biến động như trên đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ lợn giống. Từ tháng 01 đến tháng 6/2021, giá lợn giống luôn ở mức trên 2,4 triệu đồng/con. Tuy nhiên, sau khi giá lợn thịt giảm, giá lợn giống giảm mạnh xuống 1,4-1,6 triệu đồng/con vào tháng 8-9/2021. Từ cuối tháng 10/2021 đến nay, giá lợn giống duy trì 1,1-1,3 triệu đồng/con.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.
Bên cạnh đó, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vẫn bùng phát tại nhiều địa phương. Theo Cục Thú y, năm 2021, DTLCP bùng phát gần 700 ổ dịch tại 42 tỉnh thành phố, gây chết và tiêu hủy gần 120.000 con lợn). DTLCP đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc nước ta phải nhập khẩu thịt lợn, thậm chí cả lợn sống về giết mổ làm thực phẩm.
Đáng chú ý, ngành chăn nuôi lợn đối mặt với việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ukraine đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi, với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.
Trường hợp giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, Cục Chăn nuôi đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Thy Lê