Giá thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người chăn nuôi. |
Thị trường lợn hơi miền Bắc đồng loạt đứng yên tại hầu hết tỉnh thành. Cụ thể, Hưng Yên, Thái Nguyên và TP Hà Nội tiếp tục là ba địa phương dẫn đầu toàn khu vực khi neo tại ngưỡng 53.000 đồng/kg. Theo sát phía sau là Bắc Giang, Yên Bái, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ninh Bình khi thu mua lợn hơi ở mốc 52.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại không chứng kiến thay đổi mới, giao dịch trong khoảng 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, các địa phương không ghi nhận biến động mới so với hôm qua. Trong đó, mức giá phổ biến nhất là 53.000 đồng/kg, có mặt tại nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận và Đắk Lắk. Hiện tại, 4 tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với giá 54.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay đi ngang so với ngày hôm qua. TP HCM, Đồng Tháp và Cần Thơ đang neo tại ngưỡng cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực là 53.000 đồng/kg, ghi nhận tại các tỉnh Bình Phước, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Nhiều địa phương còn lại trong khu vực duy trì giá thu mua không đổi là 54.000 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh giá gần nhất, các công ty thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng thêm 200 – 300 đồng/kg. Theo chủ các đại lý cấp 1 của các công ty thức ăn chăn nuôi thì bắt đầu từ tháng 3 này sẽ có kỳ điều chỉnh tăng giá mới, theo đó, mỗi kg thức ăn chăn nuôi có thể tăng thêm 300 - 500 đồng/kg.
Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, bởi giá nguyên liệu chưa dứt đà tăng do nguy cơ hạn hán kéo dài ở những quốc gia sản xuất nông sản chính trên thế giới.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chiến sự Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Bởi Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện, các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho xuất và nhập khẩu đã ảnh hưởng tới Việt Nam. Các hàng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, từ đó làm tăng chi phí vận chuyển trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi trong nước. Điều này cũng tác động trực tiếp đến thu nhập của người chăn nuôi, nhất là khi giá lợn hơi không tăng, thậm chí là đang ở mức thấp.
Như Yến