Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Do đó, Bộ Công Thương gia tăng lo ngại lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang tăng mạnh trong thời gian qua.
Không chỉ là nhôm
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chính thức liên quan đến lô hàng nguyên liệu nhôm trị giá 4,3 tỷ USD bị Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạm giữ ngày 28/10 vừa qua.
Theo đó, chủ của 1,8 triệu tấn nhôm đang nằm chờ xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác là công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu có địa chỉ trụ sở chính tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Công ty này có công nghệ, dây chuyền sản xuất nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác nhằm hưởng lợi thế từ chênh lệch thuế suất.
Bởi nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.
Tuy nhiên, đây không phải vụ việc duy nhất bị phát hiện trong thời gian gần đây. Ngày 2/11 vừa qua, một container hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng giả mạo xuất xứ Việt Nam với giá trị hơn 600 triệu đồng đã bị các cơ quan chức năng tại Tp.HCM phát hiện.
Số hàng hóa nói trên do công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ Trung Quốc có tổng giá giá trị hàng hóa là 591 triệu đồng.
Theo Cục Hải quan Tp.HCM, có thể doanh nghiệp muốn vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa nhập từ Trung Quốc nhưng mang nhãn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi quốc gia khác.
Cũng trong thời gian này, lực lượng Hải quan đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một lô hàng xe đạp Trung Quốc gồm 313 chiếc với trị giá trên 26.000 USD do công ty TNHH xe đạp E – một doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần (Bình Dương). Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu là xe đạp thực hiện lắp ráp tại Việt Nam, xuất xứ Trung Quốc.
Tuy nhiên, qua soi chiếu và kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì đóng gói cũng như trên sản phẩm xe đạp đều được ghi chữ “Made in Vietnam”.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng khác như nông sản, gỗ… cũng có khả năng “đội lốt” “Made in Vietnam” để xuất khẩu.
Những vụ việc bị phát hiện và bắt giữ thời gian qua đã làm dấy lên sự lo lắng về tình trạng Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển của các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc nhằm né thuế xuất sang Mỹ.
Gỗ dán đang là mặt hàng được cảnh báo dễ bị “đội lốt” ở mức độ cao nhất |
Nhiều mặt hàng bị cảnh báo
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu, trong mỗi sự việc nếu xác minh có dấu hiệu gian lận xuất xứ, mượn Việt Nam để lách thuế sẽ rất nguy hiểm, có thể làm liên lụy đến toàn ngành.
Chỉ một công ty gian lận thì các công ty khác xuất mặt hàng đó cũng chịu ảnh hưởng theo, nếu không xuất được mà để trong nước tiêu thụ sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp trong nước.
Trước thực trạng đang diễn ra, Bộ Công Thương đã liên tục phát đi những cảnh báo với doanh nghiệp, các địa phương để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ.
Hiện, gỗ dán đang là mặt hàng được Bộ Công Thương cảnh báo ở mức độ cao nhất. Cơ sở để đưa ra cảnh báo này là từ năm 2017 – 2018, Bộ Thương mại Mỹ liên tục mở các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc.
Theo đó, Mỹ đã áp thuế với chống bán phá giá gỗ với Trung Quốc lên tới 183,36% và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc là 22,98 – 194,90%. Trong khi đó, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 50 triệu USD, nhưng đến năm 2018 đã tăng vọt tới 290 triệu USD, là một sự bất thường đáng báo động.
Cũng theo Bộ Công Thương, mặt hàng đá nhân tạo cũng đang ở mức độ nguy hiểm (cấp độ 3) khi mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc được áp dụng 265,81 – 336,69%; mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc 45,32 – 190,99%.
Trong khi đó, nhập khẩu đá nhân tạo của Mỹ đối với Việt Nam đã tăng ở mức hơn 600% trong tháng 8/2019.
Ở mức độ cảnh báo 3 còn các sản phẩm như giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.
Vân Linh