Chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là rất đáng lưu tâm khi cho biết các cơ quan chức năng đã ngăn chặn kịp thời hơn 1,8 triệu tấn nhôm có trị giá khoảng 4,3 tỷ USD giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu (XK) Mỹ.
Bài học “nóng hổi”
Vụ việc nghiêm trọng đến mức các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan có liên quan nhằm điều tra làm rõ.
Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp (DN) có âm mưu giả mạo xuất xứ thông qua nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm của Trung Quốc nhằm đưa ra các sản phẩm để XK đi Mỹ và một số nước khác lại là một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều này làm nhiều người nhớ lại lời cảnh báo vài tháng trước với giới DN Việt của ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Toàn cầu (GTFA): Các DN Việt khi XK sang Mỹ cần phải đảm bảo cung cấp chi tiết về nguồn gốc xuất xứ nếu không muốn sự trừng phạt nặng nề từ phía Hải quan Mỹ khi phát hiện hàng Trung Quốc giả mạo xuất xuất xứ.
Ts. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) khi bàn về thương chiến Mỹ - Trung cũng đã lưu ý các DN Việt trước bài học từ ngành thép vẫn còn “nóng hổi” khi thép Việt Nam sang Mỹ bị áp thuế nặng.
Sự hám lợi trước mắt và bất chấp thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất trong nước ở một số DN có thể lý giải cho tình trạng hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt để xuất đi Mỹ. Điển hình như nhôm của Việt Nam XK sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc phải chịu thuế lên đến 374%.
Đó chính là lý do để một DN lớn dùng thủ đoạn để tìm mọi cách nhập nhôm giá rẻ từ Trung Quốc rồi tiến hành các chiêu thức “đội lốt” hàng Việt.
Cần nhắc lại, hồi tháng 9 năm nay, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942/ QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các DN XK nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49 - 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.
Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các DN đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, theo Bộ Công Thương, là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49 - 35,58%, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp CBPG.
Tình trạng “đội lốt” đe dọa sự sống còn của ngành thép Việt |
Ngăn dòng hàng “lẩn tránh”
Thống kê cho thấy lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc hồi năm ngoái lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017.
Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng XK. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến năm 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.
Cũng trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của vụ việc này cho thấy sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam XK vào Mỹ đang lẩn tránh thuế CBPG và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó.
Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam. Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp CBPG theo Quyết định 2942/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm nhôm từ Việt Nam được cho là có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN sản xuất, XK nhôm chân chính của Việt Nam cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi các công ty này vốn đã phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.
Vì vậy, việc áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các DN sản xuất trong nước và đồng thời góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa “lẩn tránh” qua Việt Nam.
Mức thuế CBPG chính thức dao động từ 2,49 - 35,58% đã phản ánh sự cân nhắc của Bộ Công Thương đối với lợi ích của người tiêu dùng và các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm nhôm thanh.
Từ âm mưu giả mạo xuất xứ gần 2 triệu tấn nhôm Trung Quốc mới thấy việc áp dụng biện pháp CBPG là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, hơn thế nữa, rất cần các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật đối với những DN tiếp tay việc làm sai trái này, nhằm loại bỏ các hoạt động thương mại gian dối, cố tình đưa nhôm, thép Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt XK vào Mỹ.
Thế Vinh