Theo giới chuyên gia, cổ phiếu phân bón đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, nên ít nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Đáng chú ý, kết thúc nửa đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành phân bón đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh về lợi nhuận, hàng tồn kho tăng cao.
Miệt mài dò đáy
Trong 6 tháng đầu năm, CTCP Phân bón Bình Điền (mã: BFC) – đơn vị sở hữu thương hiệu phân bón Đầu Trâu tiếp tục ghi nhận sự trượt dốc với doanh thu giảm 9,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 3.022 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 17 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ, chỉ đạt 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong giai đoạn 2015- 2017, kết quả kinh doanh của Phân bón Bình Điền được duy trì ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Theo đó, giá cổ phiếu BFC cũng không ngừng tăng và liên tiếp tạo đỉnh mới. Từ vùng giá 16.000 đồng/cp lúc mới niêm yết, BFC đạt đỉnh 37.000 đồng/cp hồi tháng 9/2016 rồi 43.000 đồng/cp vào tháng 8/2017 (giá đã điều chỉnh là 35.040 đồng/cp).
Những khó khăn trong kinh doanh của Phân bón Bình Điền bắt đầu từ năm 2018 kéo theo cổ phiếu BFC cũng liên tiếp tìm đáy mới về vùng giá 2x, đến nay chỉ còn giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cp.
Với thị giá hiện nay, BFC ghi nhận giảm 57,2% so với mức đỉnh cách đây 2 năm (tính theo giá đã điều chỉnh) và gần 40% so với đầu năm 2019.
Một tên tuổi lớn khác là CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS) cũng ghi nhận mức giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 82,1%, ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tất nhiên, cổ phiếu LAS cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi đã giảm hơn 30% từ đầu năm tới nay, hiện giao dịch quanh vùng giá 7.000 đồng/cp. Đây cũng là năm thứ 3, cổ phiếu LAS ghi nhận đà suy giảm, vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” gần 50%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/9, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau đóng cửa tại mức giá 8.390 đồng/ cp, giảm 1,3% so với phiên trước. Đây cũng là phiên giảm thứ 4 trong những phiên giao dịch đầu tháng 9 vừa qua, giảm hơn 18,5% thị giá so với đầu năm.
Chính sách có thể là cú huých cho sự “hồi sinh” của cổ phiếu phân bón |
Chờ chính sách
Tương tự, “người anh em” DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cũng giảm 37,6% so với đầu năm, từ mức giá 21.150 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống 13.200 đồng/cp như hiện nay.
Cũng không ngoại lệ, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình giảm khá mạnh xuống 3.020 đồng/cp, tương đương 31,5%.
Thực tế, mẫu số chung dẫn đến tình trạng kinh doanh trượt dốc của các DN phân bón là bị ảnh hưởng lớn bởi diễn biến thời tiết phức tạp, mức độ cạnh tranh cao do tình trạng phân bón kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái chưa được xử lý dứt điểm.
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngành phân bón nửa cuối năm 2019, nhiều chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán đều có cái nhìn kém tích cực. Nguyên nhân là do triển vọng ngành chậm lại bởi ảnh hưởng của yếu tố thời tiết khi hiện tượng El Nino được duy trì trong nửa đầu năm, giá nông sản cũng giảm, nhập khẩu phân bón, đặc biệt là từ Trung Quốc gia tăng, chính sách thuế chưa rõ ràng…
Tuy nhiên, vẫn có yếu tố tích cực hỗ trợ việc tăng giá cho nhóm cổ phiếu này là những thông tin về thoái vốn của cổ đông lớn nhất là các tập đoàn nhà nước.
Thế nhưng, DN kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Ngược lại, giá cổ phiếu giảm không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khả năng thu hút vốn của DN mà còn khiến công tác thoái vốn của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như đợt đấu giá 13,9 triệu cổ phiếu SFG của CTCP Phân bón Miền Nam (tương đương 29% vốn điều lệ) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu dự kiến thực hiện hồi tháng 7/2019 đã không thể diễn ra do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Dù vậy, xét về dài hạn, nhóm cổ phiếu này vẫn được đánh giá có nét hấp dẫn riêng tới từ một số yếu tố, bởi phân bón là loại nguyên liệu cơ bản, thiết yếu cho hoạt động trồng trọt, ảnh hưởng do yếu tố thời tiết, mùa vụ tới tổng sản lượng tiêu thụ sẽ không còn nhiều qua các năm.
Ngoài ra, các DN phân bón cũng đang chờ sự thay đổi về chính sách để giảm bớt khó khăn, nhất là việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trước đó, phân bón là mặt hàng nằm trong diện chịu thuế GTGT 5%, sau đó việc sửa Luật đã chuyển mặt hàng này sang danh mục không chịu thuế, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các DN trong ngành.
Được biết, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật Thuế do Bộ Tài chính soạn thảo, phân bón sẽ được chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất ưu đãi 5% hoặc đưa vào diện chịu thuế VAT 0%.
Linh Đan