Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) vừa cống bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2019 với mức doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II, công ty đạt 4.515 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế của SMC chỉ đạt gần 45 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý II/2018.
Kinh doanh trì trệ
Lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của SMC đạt 80,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận tới 158,9 tỷ đồng. Dù kết quả kinh doanh giảm sâu so với cùng kỳ nhưng SMC vẫn hoàn thành được khoảng 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm do đặt kế hoạch thận trọng.
Trước đó, công ty CP Thép Việt Ý (mã: VIS) cũng ghi nhận quý lỗ thứ 5 liên tiếp trong hơn 1 năm trở lại đây với kết quả kinh doanh quý II/2019 kém khả quan.
Kết thúc quý II, doanh thu thuần của Thép Việt Ý đạt 1.333 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc trữ nguyên liệu từ hồi cuối 2017, đầu 2018 từng khiến công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho nhiều quý liên tiếp thì nay lại giúp công ty đạt giá vốn thấp hơn cùng kỳ. Lợi nhuận gộp trong kỳ đã được kéo lên, đạt 8,7 tỷ, tăng mạnh so với con số âm 16,8 tỷ đồng của cùng kỳ.
Dù lãi gộp cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung biên lãi gộp vẫn ở mức rất thấp khi ngành thép đang cạnh tranh khốc liệt và giá thép xuống sâu. Thép Việt Ý vẫn lỗ tiếp 32,2 tỷ đồng trong quý II/2019 do chi phí tài chính và khoản chi nuôi bộ máy doanh nghiệp rất lớn.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VIS đã “đo sàn” 8 phiên liên tiếp. So với vùng giá 26.000 đồng hồi tháng 6, cổ phiếu VIS đã mất 46,7% giá trị về 13.850 đồng/cp.
Doanh thu quý II/2019 của công ty CP Gang thép Thái Nguyên (mã: TIS) cũng ghi nhận mức giảm hơn 15% về mức 2.676 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 29 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu công ty giảm về 5.486 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ, giảm 9,7% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý II/2019, tình hình mất cân đối tài chính tại doanh nghiệp vẫn đáng báo động. Tổng tài sản giảm mạnh về 10.210 tỷ đồng (đầu kỳ là 10.573 tỷ đồng), trong đó tài sản ngắn hạn đạt 3.018 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở hàng tồn với gần 1.964 tỷ đồng, phải thu hơn 697 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền vỏn vẹn 233 triệu đồng. Tài sản dài hạn 7.1922 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng dở dang chiếm hơn 5.234 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2019, nợ phải trả của Gang thép Thái Nguyên ghi nhận gần 8.314 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với vốn chủ sở hữu là 1.896 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay (ngắn và dài hạn) vào mức 5.268,5 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh khó khăn, cổ phiếu TIS “ì ạch” tại mức giá 10.000 đồng/cp với nhiều phiên không có thanh khoản.
Cổ phiếu ngành thép khiến nhà đầu tư mệt mỏi |
Khó khăn nối dài
Đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngành thép chưa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm nhưng với tình hình hiện tại thì chưa chắc đã khả quan.
Trên thị trường chứng khoán, không chỉ VIS hay TIS mà hầu hết các cổ phiếu ngành thép đều đang duy trì diễn biến tiêu cực như NKG của công ty CP thép Nam Kim đã duy trì vùng giá dưới 7.000 đồng/cp trong nhiều tháng nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/7, cổ phiếu NKG ghi nhận mức giá 6.080 đồng/cp, nếu so với mức 7.910 đồng/cp hồi đầu năm thì NKG đã giảm 23,1% về giá trị.
Tương tự, cổ phiếu POM của công ty CP Thép Pomina cũng có mức giảm gần 30% từ mức giá 8.700 đồng/cp hồi đầu năm xuống 6.100 đồng/cp (phiên 22/7).
Nhờ kết quả kinh doanh có chút khởi sắc trong thời gian gần đây, cổ phiếu HSG của công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã có sự hồi phục trở lại lên 7.500 đồng/cp, nhưng vẫn giảm khoảng 17,5% so với hồi đầu tháng 3 (theo mức giá đã điều chỉnh).
“Ông lớn” ngành thép Hòa Phát cũng cùng chung “nỗi khổ” của các doanh nghiệp cùng ngành khi trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu HPG chỉ ghi nhận 6 phiên đóng cửa ở mức giá xanh. Hiện, HPG đã giảm khá sâu về vùng giá 20.600 đồng/cp, đánh rơi 23% giá trị so với mức giá 26.770 đồng/cp hồi tháng 2 (giá đã điều chỉnh).
Thực tế, tiêu thụ sản phẩm thép liên tiếp gặp khó khăn do ngày càng nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất, cạnh tranh khốc liệt trong khi nhu cầu thị trường có hạn. Theo nhận định của công ty chứng khoán BSC, sản lượng tiêu thụ dự kiến trong năm 2019 chỉ duy trì ở mức tăng trưởng 10%, tương đương năm 2018 nhờ các dự án BĐS lớn được triển khai ở Hà Nội và Tp.HCM.
Ngoài ra, thị trường thép trong nước phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, cùng với sức ép từ nguồn cung dư thừa của sản xuất trong nước khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp sản xuất liên tục giảm giá bán và đẩy mạnh các hình thức chiết khấu để giữ thị phần và duy trì sản xuất.
Hơn nữa, sản xuất thép trong nước đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70% thép vụ, 40- 50% phôi thép nhập khẩu…). Việc thiếu chủ động nguyên liệu khiến công tác dự báo giá của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, giá trong nước điều chỉnh nhưng không theo kịp giá thế giới, tất yếu lợi nhuận thường xuyên biến động mạnh.
Linh Đan