Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu, trong 20 ngày đầu tháng 1/2019, giá lợn hơi trong nước tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018.
Dự báo giá lợn hơi diễn biến khó lường (Ảnh: Internet) |
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở mức 46.000 - 50.000 đồng/kg, phổ biến trong khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 47.000 - 52.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá giao dịch trong khoảng 41.000 - 50.000 đồng/kg.
"Giá lợn hơi tăng do dịch lở mồm long móng ảnh hưởng đến nguồn cung, trong khi nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang tăng lên", Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Đặc biệt, cơ quan này cũng dự báo trong năm 2019, với rủi ro dịch tả lợn châu Phi (ASF) từ Trung Quốc xâm nhiễm và lượng thịt lợn nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, giá lợn sẽ diễn biến khó lường.
Về thị trường thế giới, liên quan đến nguồn cung, năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu tăng 1%, lên 114,6 triệu tấn, với sự gia tăng đàn lợn tại Trung Quốc và Mỹ, trong khi nhu cầu thịt lợn ở hầu hết quốc gia tăng. Mặc dù vậy, dịch ASF tại Trung Quốc ảnh hưởng tới việc vận chuyển và giá lợn, khiến tốc độ tăng trưởng đàn lợn tại Trung Quốc sẽ chậm lại so với năm 2018.
Theo USDA, năm 2018, sản lượng lợn của Brazil và Việt Nam giảm lần lượt 1,3% và 2,4% so với năm 2017, trong khi sản lượng tại những quốc gia được khảo sát còn lại đều tăng. Trong đó, Canada là quốc gia có mức tăng sản lượng thấp nhất, tăng khoảng 0,05% lên 1,96 triệu tấn. Nga ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất khi tăng 7,8%, lên 3,24 triệu tấn. Ngành chăn nuôi lợn của Nga dự kiến tăng công suất sản xuất thêm 900.000 tấn trong vòng 4 năm tới dù đã gần đạt được mức tự cung tự cấp thịt lợn. Liên minh các nhà sản xuất thịt lợn Nga dự báo, tổng sản lượng thịt lợn của nước này sẽ lên tới 4,4 triệu tấn vào năm 2022.
Năm 2019, sản lượng lợn của Nhật Bản dự báo không thay đổi so với năm 2018, duy trì ở mức 1,3 triệu tấn; Liên minh châu Âu (EU) là khu vực duy nhất có sản lượng dự báo giảm nhẹ 0,4%, xuống còn 24 triệu tấn; sản lượng lợn của Trung Quốc được dự báo tăng 1,2% so với năm 2018, lên 54,8 triệu tấn.
Cùng với đó, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo sẽ tăng gần 3% trong năm 2019 nhờ nhu cầu mạnh. EU vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu vì nhu cầu tăng cao ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Xuất khẩu của Brazil sẽ phục hồi nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng, bù đắp cho phần xuất khẩu sang Nga giảm. Nga không nhập khẩu thịt lợn Brazil trong gần một năm nay, sau khi cho rằng nước này dùng thức ăn tăng trọng bị cấm trong chăn nuôi lợn.
Về nhu cầu, USDA cho biết dự báo tiêu thụ thịt lợn toàn cầu năm 2019 tăng 1,58% so với năm 2018, lên 114,2 triệu tấn. Trong đó, EU là khu vực duy nhất được dự báo lượng tiêu thụ giảm trong năm nay, giảm 0,9% xuống gần 20,9 triệu tấn.
Năm 2019, Hàn Quốc là quốc gia ghi nhận tăng trưởng nhu cầu lớn nhất, từ 2,01 triệu tấn lên 2,12 triệu tấn. Mỹ xếp thứ hai và theo sau là Mexico, với tăng trưởng lần lượt là 5,3% và 4,3%. Tại Nga, nhập khẩu năm 2019 dự báo tăng 1,5%.
Theo USDA, tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2018 tăng 1,4% so với năm 2017, lên 55,73 triệu tấn. Nhập khẩu thịt lợn của nước này năm 2018 ước tính tăng 8% so với năm 2017. USDA dự báo nhập khẩu lợn của Trung Quốc năm 2019 sẽ tăng khoảng 7%.
Lê Thúy