Giá cà phê ngày 10/8 tại các vùng trồng trọng điểm tăng 600 - 700 đồng/kg với cùng thời điểm sáng hôm qua, dao động trong khoảng 36.200 - 37.100 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá cà phê được thu mua với mức 36.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 37.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê được thu mua cùng mức 37.000 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê được thu mua ở mức 37.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 36.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 37.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 36.900 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.900 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại sàn London giao tháng 9/2021 tăng 42 USD/tấn ở mức 1.785 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 43 USD/tấn ở mức 1.797 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 3,35 cent/lb ở mức 179,35 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 3,4 cent/lb ở mức 182,45 cent/lb.
Bộ Công Thương dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng. Các yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng gồm: Nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp... Giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài.
Dù nhu cầu của thị trường thế giới lớn, song Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Việt Nam áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên diện rộng đã ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container rỗng tiếp tục kéo dài khiến chi phí tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh này, chuyên gia ngành cà phê Nguyễn Quang Bình cho rằng, cần tính toán bước đi dài hơi hơn cho ngành cà phê. Cụ thể, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã khởi động và tạo dựng một chương trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê ngon - đặc sản, chú trọng đến chất lượng tách cà phê uống trên thị trường nội địa và khuyến khích xuất khẩu cà phê sạch, giá trị cao (mô hình này được gọi là chuỗi quán).
Với các hợp đồng giữa nông dân và chuỗi quán đã thiết lập trước thời giãn cách, hiện nay các chuỗi quán vẫn tiếp tục mua cà phê nguyên liệu Robusta với mức cao, từ 50-60 triệu đồng/tấn, trong khi thị trường thương mại hiện nay chỉ quanh 37-37,2 triệu đồng/tấn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khó khăn, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho rằng mô hình cần cần được kích hoạt, nhân rộng bằng những gói hỗ trợ tài chính và tín dụng.
Cần thấy rằng đại dịch còn kéo dài và không còn cách nào khác là phải sống chung với nhiều lần giãn cách dài ngày hay ngắt quãng. ''Nên chăng các cấp chính quyền xem đây là một cái "nền" mới, vững chắc hơn cho một ngành cà phê trong thời kỳ “bình thường mới”, ông Bình khuyến nghị.
Thy Lê