Giá cà phê ngày 2/8 "đi ngang" so với hôm qua, dao động trong khoảng 35.900 - 36.900 đồng/kg so với hôm qua. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá cà phê được thu mua với mức 35.900 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 36.800 đồng/kg.
Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu cà phê vẫn có nhiều cơ hội.
Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê được thu mua cùng mức 36.700 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê được thu mua ở mức 36.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 36.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 36.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 36.600 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.700 đồng/kg.
Tổng kết tuần trước, giá cà phê giảm trung bình 800 - 1.000 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm. Dịch COVID-19 bùng phát khiến giao dịch trầm lắng do giãn cách xã hội.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại sàn London giao tháng 9/2021 giảm 99 USD/tấn ở mức 1.786 USD/tấn, giao tháng 11/2021 giảm 99 USD/tấn ở mức 1.801 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 giảm 16,95 cent/lb ở mức 179,55 cent/lb, giao tháng 12/2021 giảm 16,85 cent/lb ở mức 182,45 cent/lb.
Theo chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình, giá cà phê trong tháng 8/2021 có thể trầm lắng và ít sóng gió hơn… Cho đến khi có một dự báo rằng Brazil lại trở rét đến mức có khả năng xảy ra sương giá trên vùng cà phê tại đó. Nhưng yếu tố quyết định giá cà phê đường dài lên hay xuống chắc sẽ không vì tin thời tiết vốn rất bất nhất mà sẽ dựa vào một yếu tố khác. Đó chính là lượng tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ.
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần phải nắm bắt đúng nhu cầu của từng thị trường. Đơn cử, Canada là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 3 toàn cầu, mức tiêu thụ trung bình 152 lít/người. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế, nhập khẩu cà phê của Canada giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 0,83%/năm tính theo lượng và tăng 0,43%/năm tính theo trị giá, từ 205 nghìn tấn, trị giá 1,2 tỷ USD năm 2016 tăng lên 257 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD năm 2020.
Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê của Canada từ Việt Nam giảm từ 6,36 nghìn tấn, trị giá 14,33 triệu USD năm 2016, xuống còn 6,12 nghìn tấn, trị giá 11,15 triệu USD năm 2020.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, người Canada tiêu thụ cà phê ở cả trong và ngoài nhà. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân Canada vẫn ổn định. Phân khúc cà phê hòa tan được tiêu thụ mạnh do lệnh giãn cách xã hội. Do đó, nhu cầu về cà phê hòa tan ngày càng tăng và đang thúc đẩy thị trường tăng trưởng hơn nữa.
Còn theo Viện Kinh tế Hàn Quốc, mức tiêu thụ cà phê bình quân tính trên đầu người của Hàn Quốc đạt 2,3kg/người/năm. Hiện nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mức tiêu thụ cà phê của Hàn Quốc tiếp tục tăng. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng của giới trẻ Hàn Quốc cũng có nhiều thay đổi, tiêu thụ cà phê hòa tan của giới trẻ gia tăng do sức hút của hội nhập, toàn cầu hóa.
Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu cà phê tiềm năng của Việt Nam bởi mức tiêu thụ cà phê của quốc gia này chiếm khoảng 6% tổng thị trường cà phê châu Á - Thái Bình Dương.
Thy Lê