Giá cà phê ngày 27/7 tại các vùng trồng trọng điểm tăng 400 - 600 đồng/kg, dao động trong khoảng 37.300 - 38.200 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê có hưởng lợi khi giá thế giới tăng? |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá cà phê được thu mua với mức 37.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 38.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê được thu mua cùng mức 38.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê được thu mua ở mức 38.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 38.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 38.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 38.000 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 38.100 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại sàn London giao tháng 9/2021 tăng 65 USD/tấn ở mức 1.964 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 68 USD/tấn ở mức 1.975 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 18,80 cent/lb ở mức 207,8 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 18,75 cent/lb ở mức 210,7 cent/lb.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới. Giá cà phê trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng từ 1.300 – 1.800 đồng/kg. Giá cà phê tăng do nguồn cung cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ thâm hụt trong khi nhu cầu tăng cao.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao, xuất khẩu cà phê nhân dự báo tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho.
Tuy vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, tình trạng giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài tiếp trong tháng 7. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB (giao hàng tại boong tàu), mà yêu cầu bên bán của Việt Nam phải chuyển sang giao hàng theo phương thức CIF, tức là người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm... khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn.
Trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 35% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chấp nhận chuyển sang giao CIF. Dẫn tới, dù giá CIF hiện đạt bình quân 1.900 USD/tấn cà phê Robusta nhưng vì phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng nên lợi nhuận không tăng.
Thy Lê