Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2019, cả nước xuất khẩu (XK) khoảng 1,61 triệu tấn cà phê (tương đương 26,8 triệu bao), trị giá 2,785 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 21,2% về giá trị so với 2018. Như vậy, XK cà phê Việt Nam năm 2019 bị tuột mốc 3 tỷ USD so với vài năm trước.
Giá cà phê nguyên liệu tại các vùng sản xuất vì thế cũng giảm, có lúc chỉ còn quanh 30 triệu đồng/tấn, dù thời điểm cuối năm đã hồi phục về mốc 33 triệu đồng/tấn nhưng vẫn thấp hơn so với vùng giá 34-35 triệu đồng/tấn hồi đầu năm.
Giá cà phê tiếp tục điêu đứng
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tại 2 sàn giao dịch phái sinh chủ yếu vẫn đi theo hướng giảm kể từ đầu năm 2020 đến nay. Theo đó, giá cà phê robusta giao trong tháng 3/2020 hiện giảm 1,6% xuống 1.352 USD/tấn; giá cà phê arabica giao trong tháng 3/2020 giảm 3% xuống 122,5 UScent/pound.
Nguyên nhân khiến giá cà phê điêu đứng trong thời gian qua có thể đến từ việc khủng hoảng địa chính trị tại Trung Đông làm giới đầu tư tài chính rút vốn khỏi các sàn giao dịch hàng hóa nông sản để “chạy” sang 2 sàn dầu thô và kim loại vàng.
Ngoài ra, trong báo cáo tháng 12/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã thay đổi đánh giá sản lượng cà phê toàn cầu từ thiếu hụt sang dư thừa, do sản lượng cà phê robusta của Brazil tăng mạnh, bù đắp cho sản lượng cà phê arabica giảm vì chu kỳ “hai năm một”. Sản lượng cà phê robusta Brazil được dự báo tăng 1,5 triệu bao, đạt mức cao kỷ lục 18,1 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020.
Trong khi đó, nguồn cung cà phê ở Việt Nam dồi dào do người trồng cà phê đã thu hoạch được khoảng 60 - 70% sản lượng. Dự kiến vụ thu hoạch tại Việt Nam sẽ kéo dài tới cuối tháng 1/2020, đạt khoảng 29,5 triệu bao (loại 60kg), tương đương với niên vụ 2018 - 2019.
Trước tình hình biến động của thị trường thế giới, thị trường nội địa cũng “hoang mang” không kém. Nếu như đầu niên vụ trước, giá cà phê ở mức trên 42.000 đồng/kg thì đầu vụ này chỉ ở mức 35.000 đồng/ kg và liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Tính đến ngày 15/1, giá cà phê tại Đắk Lắk giảm khá sâu, giao dịch phổ biến tại mức 31.000 đồng/kg. Tại huyện như Cư M’gar, giá cà phê cao nhất cũng chỉ đạt 31.400 đồng/kg; những huyện khác trong tỉnh như Ea H’Leo và thị xã Buôn Hồ thấp hơn, khoảng 31.100 đồng/kg.
Tương tự, giá cá phê robusta tại Đắk Nông và Kon Tum, Gia Lai cũng ở mức 31.400 đồng/kg. Đáng chú ý, giá cà phê tại Lâm Đồng đang giao dịch thấp nhất, chỉ còn 30.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê giao tại cảng Tp.HCM đi ngang trong ngưỡng 33.500 đồng/kg.
Giá cà phê vẫn tiếp tục giảm trong những tuần đầu tiên của năm 2020 |
Kỳ vọng năm 2020
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá cà phê XK niên vụ này ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây, có thời điểm xuống mức 1.207 USD/tấn đối với cà phê robusta, 88 xu/cân Anh (cent/lb) đối với cà phê arabica.
Theo một chuyên gia phân tích thị trường, bên cạnh khủng hoảng về giá và kim ngạch XK giảm mạnh, cà phê Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác, điển hình là tình trạng cà phê già cỗi đang tăng nhanh.
Mặc dù việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên đã được đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng có một thực tế là diện tích cà phê già cỗi vẫn còn rất lớn. Giá bán cà phê lại liên tục ở mức rất thấp trong khi chi phí đầu vào gia tăng, khiến thu không đủ chi, nhiều vườn cà phê đã bị nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn.
Thực tế, cà phê là mặt hàng khá nhạy cảm với thời tiết, chỉ cần một tin bất lợi như sương giá, hạn hán cũng có thể thay đổi hướng giá. Bên cạnh đó, các thị trường giao dịch cà phê hầu hết đều dựa trên đồng USD nên cũng chịu ảnh hưởng bởi các biến động về yếu tố kinh tế vĩ mô thế giới, tài chính toàn cầu.
Do đó, một chuyên gia phân tích thị trường cho rằng những đợt kích thích từ bức tranh kinh tế vĩ mô trong thời gian tới như Mỹ và Trung Quốc dự định ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể sẽ tạo phản ứng tốt trên các thị trường tài chính, kéo theo giá cà phê sẽ tăng.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra dự báo giá cà phê arabica sẽ phục hồi do XK cà phê toàn cầu giảm, trong khi nhu cầu tăng.
Theo USDA, niên vụ 2019/20, XK cà phê toàn cầu dự kiến giảm 4,7 triệu bao, xuống còn 115,4 triệu bao do Brazil và Honduras giảm XK; tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2019/20 dự báo tăng 1,5% so với niên vụ 2018/19, lên 167,9 triệu bao. Trong đó, Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ cà phê chính trong năm 2020.
Hiện, Việt Nam vẫn tập trung XK cà phê robusta dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm tới 94% tổng lượng XK. Do đó, giá trị XK chưa cao, chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành trên thị trường thế giới.
Dự kiến, năm 2020 sẽ có sự chuyển dịch về cơ cấu mặt hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh XK cà phê chế biến nhằm nâng cao giá trị và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Vân Linh