Giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm trong khoảng 40.500 - 41.000 đồng/kg. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 40.500 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 41.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 41.000 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá 41.000 đồng/kg ở Gia Nghĩa và 40.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 41.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 40.900 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.
Mặc dù Nga là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 7 của Việt Nam, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Theo đánh giá chung, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng lớn bởi căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine.
Đây cũng là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê lên kế hoạch cụ thể nhằm chuyển hướng tập trung mạnh hơn vào thị trường EU. EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất và chiếm hơn 16% thị phần.
Tuy nhiên, chuyên gia ngành cà phê Nguyễn Quang Bình cho biết những khó khăn về logistics, thanh toán... đang khiến thị trường cà phê trong nước giai đoạn này giao dịch trong trạng thái “chờ”, hoạt động mua, bán không linh hoạt lắm. Giá cà phê nội địa khó giảm sâu trong thời gian tới.
Đánh giá thị trường cà phê trong năm 2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi hậu đại dịch Covid-19 giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê robusta của Việt Nam, vì đây là nguyên liệu được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan và Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Như Yến