Những khó khăn về chi phí đầu vào đang làm người trồng cà phê thêm lo lắng. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 40.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê đang ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua ở mức 40.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 40.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 40.600 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg.
Theo lý giải của các chuyên gia, giá cà phê đi ngang là do các nhà thu mua đang tìm nơi trú ẩn an toàn và dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường có lợi nhuận hấp dẫn trong ngắn hạn như bất động sản, vàng…
Những lo ngại về sự bùng nổ giá dầu do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine làm tăng thêm chi phí sản xuất cho bà con nông dân đang hiện hữu. Bên cạnh đó, giá phân bón cao hơn và nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng bị thắt chặt có nguy cơ hạn chế năng suất của cây cà phê trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, bên cạnh năng suất thấp hơn và những khó khăn trong đường cung cấp nguyên liệu đầu vào thì vấn đề biến đổi khí hậu cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất cà phê.
Ngược lại, ở vấn đề đầu ra, hiện cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được xuất khẩu chủ yếu sang EU, Mỹ, Đông Nam Á. Trong đó, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất và chiếm hơn 16% thị phần.
Với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhờ Hiệp định EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất tiềm năng khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.
Như Yến