Cà phê Việt Nam đang thu hút các nhà nhập khẩu trên thế giới. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 40.500 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), cà phê ở mức 41.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 41.000 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 41.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.900 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), các nhà nhập khẩu đang chuyển sang mua cà phê Robusta từ những nước châu Á như Việt Nam, Indonesia... để bù đắp cho sự tăng giá và thiếu hụt của cà phê Arabica tại khu vực Nam Mỹ. Hoạt động bán ra của Việt Nam trong thời gian qua cũng được thúc đẩy bởi giá cà phê ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được xuất khẩu chủ yếu sang EU, Mỹ, Đông Nam Á. Trong đó, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất và chiếm hơn 16% thị phần.
Với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhờ Hiệp định EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất tiềm năng khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.
Như Yến