Theo dự thảo, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là bảng kê tỷ lệ phần trăm (%) của mức giá bán lẻ điện bình quân để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện. Trường hợp cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, căn cứ mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được phép điều chỉnh trong phạm vi ± 2% so với tỷ lệ quy định.
Bộ Công Thương đề xuất biểu giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt với 5 bậc thang. |
Đáng chú ý, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn từ 6 bậc còn 5 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bậc thấp nhất tính cho hộ gia đình dùng từ 0-100 kWh (bậc thấp nhất hiện hành là 0-50 kWh), bậc cao nhất từ 700 kWh trở lên.
Giá điện các bậc thang từ bậc 1 đến bậc 5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ 4/5).
Như vậy, bậc 1 có giá thấp nhất là khoảng 1.728 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.457 đồng một kWh. Giá này chưa gồm thuế VAT.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Bộ Công Thương gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới. Đối với biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc hoặc 4 bậc.
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực cho hay, trong số các ý kiến góp ý gửi về Bộ Công Thương, 92,2% đề xuất lựa chọn phương án 1 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân). Chỉ có 7,8% đề xuất lựa chọn phương án 2 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân).
Bộ Công Thương cho biết, ưu điểm của phương án giá bán điện sinh hoạt 5 bậc là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Tuy nhiên, nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.
Thy Lê