Được biết, số lượng đường cát nhập lậu đều được sản xuất tại Thái Lan không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Mới đây nhất, ngày 23/8/2024, Đội quản lý thị trường số 3, Cục quản lý thị trường tỉnh Phú Yên tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải do ông PHH - khu phố Phú Thọ 2, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa là người trực tiếp điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa.
Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 16 tấn đường cát trắng hiệu REFINED SUGAR S47 PRODUCT OF THAILLAND, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tình trạng nhập lậu đường cát đang gia tăng mạnh trong những tháng gần đây, gây thiệt hại cho chuỗi liên kết sản xuất mía đường. |
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước số 0092993 ngày 21/5/2024. Đoàn kiểm tra tiến hành đối chiếu hàng hóa thực tế so với hóa đơn, kết quả cho thấy thời điểm xuất hóa đơn là ngày 21/5/2024 nhưng trên bao bì hàng hóa thể hiện các ngày sản xuất không phù hợp. Đội quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 30/7/2024, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an thị xã Quảng Trị phát hiện một phương tiện vận chuyển 35 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất. Hàng hóa là của hộ kinh doanh T.H.H.T, có địa chỉ tại phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Tại thời điểm khám, lái xe có xuất trình hóa đơn chứng từ đi kèm. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, qua đấu tranh, Đội quản lý thị trường số 1 xác định trong số 35 tấn đường cát vận chuyển trên phương tiện có 28,55 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa với trị giá hàng hóa gần 500 triệu đồng. Đội quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ hàng hóa, phương tiện vi phạm theo quy định.
Ngày 20/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh T.H.H.T do đã kinh doanh 28,55 tấn đường cát nhập lậu nói trên, với tổng mức các hình thức xử phạt là hơn 1,1 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền phạt vi phạm hành chính là 95 triệu đồng; trị giá tang vật vi phạm bị xử lý tịch thu là 498.900.000 đồng; buộc đối tượng vi phạm nộp lại số tiền trị giá tương đương phương tiện vi phạm là 520.200.000 đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị, trong 8 tháng đầu năm 2024 (số liệu tính đến ngày 21/8/2024) lực lượng quản lý thị trường Quảng Trị đã kiểm tra, xử lý 36 vụ; xử phạt hành chính 1.107.000.000 đồng; tịch thu 112,95 tấn đường cát; trị giá tang vật tịch thu 2.006.400.000 đồng.
Ông Đặng Phú Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho hay, tình trạng lợi dụng thương hiệu để san chiết, đóng gói đường bán ra thị trường… của các tổ chức, cá nhân vẫn chưa được kiểm soát chặt. Thêm vào đó, giá đường trong nước đang phải chịu cạnh tranh. Doanh nghiệp đã thay đổi thiết bị, đầu tư công nghệ hiện đại nên hoạt động sản xuất cũng như chất lượng đường trong nước không thua đường nước ngoài. Tuy nhiên, giá đường trong nước cao vì doanh nghiệp phải chịu thuế, thực hiện đúng quy định Nhà nước, còn đường nhập lậu thì trốn thuế… nên giá thành rẻ, đó là cạnh tranh không lành mạnh.
“Chúng tôi đã xây dựng giải pháp lâu dài, bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng, về giá với đường do nước ngoài sản xuất... Song, công tác đấu tranh, ngăn chặn đường nhập lậu cần tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn nữa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Quý bày tỏ.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thời gian gần đây, nhu cầu sản phẩm đường trong nước rất thấp. Trong khi đó, nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/24 đã khiến cho thị trường đường thừa cung, đường của các nhà máy không bán được nên tồn kho nhiều, các nhà máy đường trong nước lâm vào tình thế khó khăn.
Hồng Hương