Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), sau thời gian chuẩn bị, tuyển chọn khắt khe, 60.000 trái dừa tươi đã chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc với giá trị tăng 30 - 40% so với bán nội địa. Ngoài ra, một chuyến tàu khác xuất phát từ Bình Dương hôm 25/10 vận chuyển 3 container dừa tươi đến Quảng Châu, Trung Quốc trị giá khoảng 220.000 Nhân dân tệ cũng vừa rời bến. Dự kiến, các container dừa sẽ đến nơi trong 7 ngày.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, những năm qua, nhiều mặt hàng nông sản, bao gồm trái cây, đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, phương thức xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là vận chuyển bằng đường bộ qua xe container, gây tốn kém chi phí và tăng nguy cơ rủi ro trong vận chuyển.
Nay trái dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân bằng tàu liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), không chỉ giúp cho Bình Dương mà cho cả các tỉnh ĐBSCL giải quyết được khó khăn này.
Để ngành dừa phát triển bền vững, cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu một cách đồng bộ, đạt chuẩn organic, chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu các thị trường. |
“Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng đề án phát triển cây dừa nhưng chưa được triển khai rộng khắp vì chưa tìm được đầu ra cho cây dừa. Khi Chính phủ ký kết với Trung Quốc Nghị định thư về xuất khẩu trái dừa tươi đã mở ra một cơ hội cho việc thực hiện đề án. Đây cũng là cơ hội cho người nông dân trồng dừa tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang nói.
Còn tại tỉnh Bến Tre cuối tuần trước đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc. Bến Tre có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số.
Theo thống kê, nước ta hiện có 200.000 ha diện tích trồng dừa. Trong đó khu vực ĐBSCL chiếm gần 70% diện tích. Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như số liệu của tỉnh Tiền Giang, trong số 63 tỉnh, thành cả nước có ba địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất là Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Tiềm năng xuất khẩu dừa tươi cũng như các sản phẩm từ dừa tại 3 tỉnh, thành này rất lớn.
Số liệu từ Hiệp hội Dừa Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa. Trong đó có khoảng 90 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. nhiều doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng từ vài chục đến 1.500 container.
Với tín hiệu tích cực này, Hiệp hội kỳ vọng những tháng cuối năm xuất khẩu dừa tươi sẽ tăng trưởng mạnh, cán mốc 250 triệu USD, chiếm 1/4 giá trị xuất khẩu toàn ngành dừa. Việc dừa tươi đã mở được cánh cửa vào thị trường tỷ dân sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và nhà vườn.
Cần quy hoạch vùng trồng đạt chuẩn
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho hay, để đón cơ hội các doanh nghiệp hiện nay cũng đã chuẩn bị lượng dừa tươi cho xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra các sản phẩm chế biến sâu từ dừa cũng mang lại giá trị lớn.
Hiện, Trung Quốc là thị trường lớn, tiêu thụ khoảng 4 tỷ trái dừa mỗi năm. Mở được cánh cửa giàu tiềm năng này sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành hàng dừa Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những yêu cầu rất khắt khe.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, dừa tươi xuất sang Trung Quốc phải đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật. Sản phẩm khi đến với người tiêu dùng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.
Năm 2023, trái dừa tươi Việt Nam xuất khẩu đi 15 quốc gia trên thế giới, với sản lượng khoảng 30.000 tấn. Thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, cơ hội cho trái dừa tươi Việt Nam càng rộng mở hơn. Sự chuẩn bị chu đáo của nhà vườn, doanh nghiệp cho những lô hàng đầu tiên sẽ tạo đà thuận lợi để trái dừa tươi tạo được vị thế trên thị trường. Khi đó, mục tiêu xuất khẩu dừa mang về kim ngạch 1 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.
Để ngành dừa phát triển bền vững, sớm đạt mục tiêu đề ra là xuất khẩu tỷ USD, bà Thanh đề nghị, cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu một cách đồng bộ, đạt chuẩn organic, chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu các thị trường đề ra.
Đại diện Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát thông tin, ngoài yêu cầu cao về chất lượng, trái dừa tươi phải thu mua tại các vườn đạt chứng nhận VietGap, được cấp mã xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) cho biết, hiện nay chất lượng, mẫu mã dừa của Việt Nam chưa được đồng bộ về kích cỡ, độ ngọt, màu sắc…, khiến giá thành và giá trị không cao.
“Do đó, các địa phương mạnh về dừa xiêm, dừa công nghiệp cần quy hoạch vùng trồng để có số lượng, chất lượng đồng bộ đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi hiện nay người dùng trong nước lẫn xuất khẩu bên cạnh chất lượng hữu cơ thì còn quan trọng vẻ bên ngoài. Thêm các vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác…”, ông Đức chia sẻ.
Ngoài ra, trước những biến động của tình hình toàn cầu, ông Đức cho biết doanh nghiệp ngành dừa còn gặp vướng nhiều ở câu chuyện vốn đầu tư, chi phí lãi vay từ đó tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Ngoài ra, theo một một số doanh nghiệp khác, khó khăn kìm hãm sự tăng trưởng về giá trị của ngành dừa Việt Nam là giá trị chế biến sâu chưa cao.
“So về trình độ bảo quản thô, chất lượng dừa tươi, Việt Nam có thể sánh ngang các nước khác và đáp ứng hầu hết yêu cầu của các thị trường khó tính. Tuy nhiên, về chế biến sâu, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp đầu ngành làm được điều đó”, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ.
Hồng Hương