Tuy Việt Nam có lợi thế về sản xuất trái cây, trong đó có sầu riêng với sản lượng sầu riêng cả nước đạt 642.600 tấn (năm 2021), nhưng Trung Quốc lại chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia. Chỉ tính riêng năm 2021, nước này nhập khẩu hơn 870.000 tấn sầu riêng của Thái Lan, mang lại doanh thu ít nhất 4,1 tỷ USD cho đất nước chùa vàng. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu hơn 8.000 tấn sầu riêng của Malaysia.
Chưa tận dụng được thị trường tiềm năng
Rõ ràng, đây là con số cần hết sức lưu ý vì nó chính là động lực lớn để Việt Nam xây dựng chiến lược xuất khẩu cụ thể cho loại quả này. Đặc biệt hiện nay công tác mở cửa, phát triển thị trường tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp
Một thực tế nữa đó là dù đã đàm phán nhưng sầu riêng vẫn đang phải đợi phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch. Trong khi 3 năm trở lại đây, Việt Nam phải vay mượn quota của Thái Lan để xuất khẩu. Tức là sầu riêng Việt Nam phải đi vòng qua Thái Lan để vào Trung Quốc. Điều này vừa gây rủi ro cho doanh nghiệp vừa khiến sầu riêng mất lợi thế cạnh tranh.
Sầu riêng là mặt hàng có lợi thế ở Việt Nam nhưng hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. |
Ở phía ngược lại, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc vẫn rất lớn. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hàng năm hơn 16%. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam, ngoài ra nước này cũng nhập sầu tách múi, bóc vỏ và được cấp đông từ Việt Nam.
Chia sẻ của ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ lý tưởng trái sầu riêng. Bởi theo thống kê từ hải quan Trung Quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của đất nước hơn 1,4 tỷ dân tăng trung bình 26% mỗi năm trong 10 năm gần đây.
Điều này cho thấy, dư địa đối với quả sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là không hề nhỏ. Trong khi đây là loại trái cây được đánh giá là có sản lượng và diện tích lớn ở Việt Nam, lớn hơn cả quả vú sữa.
Cần có những quy định cụ thể trong sản xuất và quản lý
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, Việt Nam cần xem xét một cách nghiêm túc quy trình sản xuất, có đánh giá cụ thể để không làm mất giá trị loại nông sản này trên thị trường xuất khẩu.
Mặc dù là nước đi đầu trong xuất khẩu sầu riêng nhưng theo các chuyên gia, chính phủ Thái Lan, Bộ Nông nghiệp Thái Lan vẫn có những nghiên cứu rất cụ thể về tiềm năng, lợi thế của sầu riêng Việt Nam. Họ đã có những phân tích thậm chí là những giải pháp rất rõ ràng để khi sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, họ sẽ có những hướng đi nhằm cạnh tranh được với sầu riêng Việt Nam.
Điều này cho thấy, với một sản phẩm được coi là “trọng tâm” của ngành nông nghiệp trong thời gian tới thì các Bộ, ngành cần ngồi lại để đưa ra những giải pháp chiến lược rõ ràng trong việc trồng sầu riêng ở đâu để bảo đảm vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc ra sao, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng như thế nào và kể cả là việc hỗ trợ cho những doanh nghiệp, HTX quảng bá thương hiệu đến quản lý truy xuất nguồn gốc…
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng rất quan tâm đến phát triển sầu riêng thông qua việc xây dựng luật riêng đối với quản lý loại quả này để phục vụ cho thị trường Trung Quốc và bảo hộ thương hiệu. Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt nay tại vùng trồng, đến cơ sở chế biến, vận chuyển nên dễ dàng đáp ứng nhu cầu đưa sầu riêng vào Trung Quốc lúc này.
Hay như Đài Loan (Trung Quốc), thị trường này cũng tích cực bảo hộ để không mất thương hiệu và giá trị sầu riêng. Chẳng hạn như sầu riêng bị nông dân cắt non thì cơ quan quản lý đến tận nơi thu gom tiêu hủy, sau đó báo về HTX và phạt cảnh cáo. Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng non cũng bị phạt và đưa lên cảnh báo ở các trang truyền thông.
Theo bà Ngô Tường Vi, Phó giám đốc công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cần có những quy định cụ thể trong sản xuất và quản lý và phải đặt tiêu chuẩn cụ thể như Thái Lan, Đài Loan… thì sầu riêng Việt Nam mới tự tin cạnh tranh với các thị trường khác mà không bị mất thương hiệu và giá trị.
Cũng như các nông sản khác, sầu riêng xuất khẩu hiện nổi lên hai vấn đề kỹ thuật là sinh vật gây hại và an toàn vệ sinh thực vật (dư lượng hóa chất). Chính vì vậy, muốn xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở do Bộ NN&PTNT cấp mã số, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV) cho biết, muốn nộp hồ sơ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch không thể muốn nhanh là được mà phải kéo dài hàng năm. Trước tiên,Việt Nam phải làm hồ sơ kỹ thuật, sau đó hai bên đàm phán để phù hợp với điều kiện xuất nhập khẩu, kinh doanh, tiêu dùng nhưng vẫn tuân thủ các quy định quốc tế.
Chẳng hạn, muốn xuất khẩu quả vải sang Mỹ, Việt Nam phải nộp hồ sơ từ trước năm 2000 nhưng đến 2015 mới được xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, quy trình đàm phán đã rút ngắn, chỉ trong khoảng 2-3 năm là có thể xuất khẩu nhưng đó là khi bảo đảm được các yếu tố về chất lượng sản phẩm, quy trình vận chuyển, nhập khẩu.
Một điều đáng lưu ý hiện nay là thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới ở Trung Quốc rất phát triển. Số liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy, chỉ tính riêng năm 2021, doanh số bán lẻ trực tuyến của nước này đạt 13.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 2.000 tỷ USD. Số đơn hàng thương mại điện tử xuyên biến giới được thông quan năm 2020 tăng 63,3% so với 2019.
Trung Quốc thời gian vừa qua cũng áp dụng nhiều biện pháp thông quan trên nền tảng số. Vấn đề kiểm dịch cũng áp dụng theo hình thức khai báo điện tử nên doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng cũng cần chú trọng đến những điều này để tận dụng được những điều kiện thuận lợi từ thị trường Trung Quốc tiềm năng.
Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới: như đầu tư hạ tầng từ kho lạnh, nhà xưởng, logistics đến hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đào tạo nhân lực… một cách đồng bộ.
Là một đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đến nay Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Do đó, việc thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường này. Đặc biệt khi xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp doanh nghiệp, HTX tháo gỡ khó khăn về chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
“Nếu xuất khẩu tiểu ngạch, doanh nghiệp phải tốn chi phí thấp nhất là 700-800 triệu đồng mỗi container sầu riêng. Nhưng nếu xuất khẩu chính ngạch, chi phí sẽ giảm hàng trăm triệu đồng mỗi container, từ đó giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này”, bà Ngô Tường Vi, Phó Giám đốc công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết.
Như Yến