Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Úc vẫn đạt 204 triệu USD, tăng trưởng 16%, trong đó hàng rau quả đạt 63 triệu USD, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước. Từ các loại trái cây tươi như vải thiều, nhãn, thanh long đến sản phẩm đông lạnh như sầu riêng Ri6, gừng... đã tạo ra "cơn sốt" với người tiêu dùng Úc trong thời gian vừa qua.
Cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng
Kể về hành trình đưa trái sầu riêng đông lạnh Ri6 của Việt Nam đến thị trường Úc, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Úc Nguyễn Phú Hòa, cho hay trước năm 2019, người tiêu dùng Úc hầu như không biết tới sầu riêng của Việt Nam mà chỉ quen tiêu dùng hàng của Malaysia, Thái Lan.
Sầu riêng đông lạnh Ri6 Việt Nam đã tạo ra cơn sốt với người tiêu dùng Úc. |
Ông Hòa nói tiếp, khi đặt vấn đề đưa sầu riêng Việt Nam sang thị trường này, không ai tin rằng có thể cạnh tranh với các nước trên thị trường Úc. Người Úc sẵn sàng chi trả tiền nhiều hơn để được thưởng thức đặc sản ngon nhưng họ cũng cực kỳ chung thành với các thương hiệu, do vậy việc sử dụng sản phẩm mới là không hề dễ dàng.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, nhà nhập khẩu ở Úc để đưa mặt hàng sầu riêng vào thị trường này", ông Hòa nói và cho biết Úc là thị trường chỉ có hơn 25 triệu dân, đồng thời là cường quốc nông nghiệp nhưng nếu sản phẩm đạt chất lượng, quyết tâm xây dựng thương hiệu thì không có lý do gì không chiếm lĩnh được thị trường.
Sau một thời gian bền bỉ xây dựng, đến nay người Úc đã rất ưa chuộng sản phẩm sầu riêng Ri6 Việt Nam, thậm chí có thời điểm đổ xô săn tìm mặt hàng này. Hiện nay, ở Úc, sầu riêng Ri6 của Việt Nam được bán tràn ngập khắp nơi, bao bì mẫu mã đẹp. Nhiều doanh nghiệp mới của Việt Nam tham gia vào thị trường Úc, tạo thành cơn sốt sầu riêng.
Tuy nhiên, khi đã xây dựng được thương hiệu thì vấn đề số lượng cung ứng lại là vấn đề nan giải, ông Hòa cho biết khi đặt hàng số lượng lớn từ 100 - 200 tấn sầu riêng Ri6 thì nguồn cung đảm bảo về số lượng, chất lượng lại không hề dễ dàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng không chỉ là để cạnh tranh với các đối thủ mà còn cạnh tranh với chính mình.
"Ban đầu, giá 1kg sầu riêng Việt Nam bán 14 AUD/kg, sau đó tôi nói với các doanh nghiệp là tại sao không nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, chương trình hậu mãi để nâng giá bán lên 18 AUD/kg. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, nông dân Việt Nam có lợi nhuận cao hơn mà người Úc cũng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn nếu sản phẩm đạt chất lượng cao hơn", ông Hòa nói.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Úc khuyến nghị, người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm kỹ lưỡng về chất lượng và cách làm truyền thông.
Kể về câu chuyện quả nhãn Việt Nam tiếp cận thị trường Úc, ông Lý Hoàng Duy, CEO công ty 4 Way Fresh (nhà nhập khẩu trái cây của Úc), cho hay 5 năm trước, doanh nghiệp này nhập nhãn Việt Nam song lúc đầu chưa nắm được thị hiếu người dùng nên đóng gói 5kg, sau đó chuyển sang 500 gram/gói. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu là người Á Châu quan tâm, còn bán cho khách Tây rất ít. Sau những khó khăn, thất bại, doanh nghiệp đã chuyển sang đóng gói dưới dạng hộp, xây dựng thương hiệu dưới tên doanh nghiệp.
"Sau này, khi quả nhãn Việt Nam được đưa vào vỉ, được kiểm tra chất lượng tốt hơn, xây dựng thương hiệu thì hàng không chỉ bán cho khách Á Châu mà khách Tây cũng dùng thử rất nhiều", ông Duy nói.
Nhưng chưa chắc đã thắng nếu...
Theo CEO công ty 4 Way Fresh, đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được khách hàng Úc rất ưa chuộng, ông tin rằng số lượng nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Úc sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Dù không còn vất vả đi chào mời khách hàng dùng sản phẩm trái cây Việt Nam, song ông Phúc Trương, CEO Công ty Bato Ausels Australia, liên tục nhấn mạnh tới câu chuyện chất lượng khi nói tới hàng nông sản Việt Nam.
Ông nói: "Có chất lượng, thương hiệu rồi, thì mở rộng thị trường là việc trong tầm tay của nhà nhập khẩu. Tôi mong muốn một ngày không xa, khi người tiêu dùng Úc nhắc tới nông sản Việt Nam thì ý nghĩ đầu tiên trong đầu họ là chất lượng rất tốt, khi đó khách hàng sẽ tìm tới để mua sản phẩm của mình".
Bên cạnh chất lượng, CEO Công ty Bato Ausels Australia lưu ý tới vấn đề vỏ và thiết kế bao bì của sản phẩm. Theo đó, vỏ bao bì phải cứng để tránh hư hỏng nông sản khi vận chuyển. Về thiết kế thì phải bắt mắt. "Chưa bàn tới chất lượng, nếu chúng ta để ý sẽ thấy hàng Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan - người ta rất chú trọng tới vỏ và thiết kế bao bì. Nếu chúng ta không chú ý thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh", ông Phúc Trương khuyến nghị.
"Chúng ta đừng vội hài lòng với những kết quả đạt được. Hàng hóa được người dùng đón nhận nhưng không có nghĩa mình đã thắng ở thị trường này mà cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa", ông Trương nhấn mạnh.
Trên thực tế, hiện nay có 5 loại trái cây tươi của Việt Nam là xoài, nhãn, vải thiều, thanh long được xuất khẩu vào thị trường Úc (bên cạnh trái dừa theo quy định của Úc là không phải đàm phán). Do vậy, để mở rộng thị phần trái cây Việt Nam ở thị trường Úc là không hề dễ dàng. Một số loại trái cây tươi, trái cây đông lạnh tăng trưởng 100% nhưng kim ngạch không lớn. Do vậy, việc nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đông lạnh, chế biến thâm nhập thị trường này như sản phẩm sầu riêng đông lạnh Ri6 là rất cần thiết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), người Úc ngày càng có xu hướng ưa chuộng nông sản, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này khó tính bậc nhất thế giới, quy chuẩn khắt khe, cũng như có sẵn nền nông nghiệp với sản lượng dồi dào, phong phú.
"Do vậy, muốn chiếm lĩnh được thị trường thì nông sản Việt Nam cần những bước đi bài bản gắn với chất lượng, thương hiệu và đa dạng sản phẩm", bà Thủy nhấn mạnh.
Lê Thúy