Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 do Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha APICCAPS vừa công bố cho thấy, Việt Nam chiếm 10% thị phần và đứng thứ hai về sản xuất và xuất khẩu giày toàn cầu. Trong số hơn một tỷ đôi giày xuất khẩu của Việt Nam, có một tỷ lệ không nhỏ của hai “ông lớn” Adidas và Nike.
Cứ điểm sản xuất giày của các “ông lớn”
Theo báo cáo trên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách với tổng số 7,4 tỷ đôi giày trong năm 2020. Indonesia đứng ở vị trí thứ ba với 366 triệu đôi giày xuất khẩu, chiếm 3% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, tăng 1,4% so với thập kỷ trước. Đức đứng ở vị trí thứ tư với 2,5% và Thổ Nhĩ Kỳ - 2,3%. Đức hiện là nhà xuất khẩu giày lớn nhất châu Âu trong 10 năm qua, vượt Bỉ và Italy.
Năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Việt Nam sản xuất giày cho Nike vẫn chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng. |
Trên trang tin chuyên về ngành da giày của Đức Schoez.biz hôm 2/3 cũng cho biết, thị phần của Việt Nam đã tăng từ 2% lên 10,2% trong thập kỷ qua. Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, chiếm vị trí số hai thế giới về XK da giày.
Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu giày dép toàn cầu của Trung Quốc dù vẫn đứng vị trí số 1 nhưng giảm 12% trong cùng khoảng thời gian, từ 73,1% năm 2011 xuống 61,1% năm 2020.
Số liệu trên cũng khá tương đồng tỷ trọng sản xuất giày của hãng Nike tại Việt Nam, mới đây, hãng CNBC đã dẫn báo cáo tài chính của tập đoàn chuyên về sản phẩm thể thao này cho biết, năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Việt Nam sản xuất giày cho Nike vẫn chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc đã rớt xuống còn 21%. Hồi năm 2006, Trung Quốc sản xuất giày cho Nike chiếm 35% sản lượng toàn cầu của hãng. Như vậy Việt Nam đã chính thức vượt xa Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất chính cho thương hiệu này
Ngay cả đối thủ của hãng Nike là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam. Trong khi đó, số lượng giày Adidas được sản xuất tại Trung Quốc, nơi từng là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Adidas, đã giảm xuống dưới 20%.
Sự dịch chuyển các đơn hàng sản xuất của Adidas từ Trung Quốc sang các quốc gia Châu Á khác, đặc biệt là Việt Nam, không phải bây giờ mới bắt đầu mà nó diễn ra từ năm 2012. Điều này cho thấy cho dù giá nhân công hiện tại có tăng lên hàng năm nhưng Việt Nam vẫn là một điểm lựa chọn tốt cho nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất.
Sự tham gia chuỗi còn mờ nhạt
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc điện đàm với ông Kasper Rorsted, Tổng Giám đốc Tập đoàn Adidas để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của Adidas tại Việt Nam hôm 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngoài việc đánh giá cao kết quả duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Adidas tại Việt Nam là minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả của quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ và các địa phương của Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng Tập đoàn Adidas sẽ đạt được những thành công to lớn hơn nữa và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Adidas.
Bởi lẽ, trên thực tế, tiếng là “cứ điểm” sản xuất, nhưng thực ra tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị của các hãng giày lớn trên thế giới của các doanh nghiệp Việt vẫn còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là mờ nhạt.
TS. Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nói rằng, việc đơn hàng ngày càng tăng chủ yếu do nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề cao và ổn định, đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu từ đối tác. Hệ thống nhà máy được đầu tư ở Việt Nam rất tốt, chi phí lao động vẫn đang ở mức cạnh tranh dù có tăng trong những năm qua.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục phổ biến hơn, thực tế đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam như là “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, TS Toàn nói.
Việc Adidas, Nike hay các hãng sản xuất giày da lớn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam rõ ràng là một tin vui cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau Covid-19. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư trên thế giới ngày càng có niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Lợi ích nhìn thấy rõ ràng mà nền kinh tế được hưởng sẽ là việc làm và thuế. Nhưng dường như tất cả chỉ có vậy, những đơn hàng sản xuất của Adidas, Nike… đa số lại rơi vào tay các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Còn các công ty Việt Nam nếu có nhận được đơn hàng thì cũng chỉ là ở những công đoạn gia công cuối cùng.
Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp; phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về.
Lấy ví dụ của Nike, các sản phẩm Nike có tỷ lệ nội địa hóa khá cao ở Việt Nam, do Việt Nam chủ động sản xuất được các nguyên phụ liệu.
Thế nhưng, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Nike, mà việc sản xuất những nguyên phụ liệu trên chủ yếu là các doanh nghiệp FDI đã được đưa vào Việt Nam.
Đối với ngành da - giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam. Phần lớn nguyên liệu vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài.
Rõ ràng, đây là một sự lãng phí. Bởi bất kỳ một nhà đầu tư nước ngoài nào khi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam đều muốn tìm những nhà cung ứng nguyên vật liệu bản địa để giảm thiểu chi phí nhập khẩu. Tuy nhiên, phần lớn những nguyên vật liệu hiện nay trong nước vẫn chưa sản xuất được.
Thực tế, chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ rất quan tâm, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, “Về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ”. Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp; phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng cần phải gắn với việc nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics. Có như vậy thì nhà đầu tư nước ngoài mới có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài.
Bên cạnh đó, phải có những doanh nghiệp Việt Nam độc lập, tự chủ và mang tính dẫn dắt. Để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng, cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu. Đồng thời, phải có những chính sách ưu đãi về thuế, phí… tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp. Nếu không việc chuyển dịch sản xuất của các hãng nước ngoài như Adidas, Nike… vào Việt Nam và những cơ hội của ngành da giày vẫn sẽ tiếp tục bị lãng phí.
Trà My