Vừa qua Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp (DN) da giày được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 tại các vùng tâm dịch. Đồng thời, cho phép các DN da giày cùng với các đối tác nhập khẩu và nhãn hàng nước ngoài được đóng góp tài chính mua vắc xin tiêm chủng cho người lao động tại các DN.
Đối mặt những mối lo
Thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh Covid thời gian qua cho thấy rủi ro lây lan dịch bệnh rất cao trong các khu công nghiệp. Trong đó, ngành da giày với tổng số khoảng 1,5 triệu lao động, mỗi nhà máy có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn lao động, đang đứng trước rủi ro cao dịch Covid-19 lây lan nhanh, do đặc thù sử dụng nhiều lao động trong các nhà máy tại các khu công nghiệp tập trung.
Ngành da giày mong được gỡ vướng và lấy lại đà tăng trưởng XK. |
Cho nên, nếu DN da giày phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly không làm việc trong 14 - 21 ngày thì khách hàng nước ngoài sẽ hủy hết đơn hàng, dẫn đến DN sẽ bị phá sản, số lượng lớn lao động trong ngành mất việc làm.
Ngoài vấn đề nêu trên, hồi tháng 5/2021 vừa qua thì phía LEFASO cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu tại chỗ đối với vật tư cho sản xuất, liên quan đến Nghị định số 18/2021/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/04/2021) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể tại Điều 1 của nghị định 18/2021/NĐ-CP, sửa đổi Điều 3 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định đối với phương thức xuất nhập khẩu tại chỗ, DN phải nộp thuế nhập khẩu cho hàng hóa nguyên liệu mua của DN xuất khẩu tại chỗ. Sau đó, làm thủ tục hoàn thuế sau khi hàng hóa được XK (tại chỗ) cho DN trong nước, trước đó Nghị định 134/2016/NĐ-CP không quy định việc nộp thuế này.
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thì đây là một quy định hết sức bất cập và gây khó khăn cho các DN sản xuất hàng xuất khẩu (XK). Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, về giá nhiên liệu và nguyên phụ liệu tăng liên tục, giá vận tải và chi phí container tăng cao.
Trong khi giá XK giảm hoặc không tăng, thì việc phải ứng trước khoản tiền lớn để đóng thuế nhập khẩu đối với hàng nguyên phụ liệu xuất nhập khẩu tại chỗ như trên đã gây áp lực rất lớn về tài chính và thủ tục hành chính cho các DN.
Như tính toán của LEFASO, dự kiến năm 2021 ngành da giày XK hàng hóa trị giá 22 tỷ USD. Trong đó, giá trị tiền mua vật tư nhập khẩu tại chỗ là 3,3 tỷ USD (bằng 15%) và tiền thuế phải ứng cho vật tư nhập khẩu tại chỗ là 594 triệu USD, cùng với lãi vay ngân hàng để ứng nộp thuế trong 6 - 9 tháng ước tính là 23,76 triệu USD.
Tận dụng tốt EVFTA
Riêng về XK ở mảng giày dép, 4 tháng đầu năm nay, dù trên toàn cầu diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, nhưng ngành hàng này được đánh giá đã lấy lại đà phục hồi tốt, đạt kim ngạch 6,4 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt là XK giày dép các loại của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực thuộc EU tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hồi quý I/2021 vừa qua XK giày dép sang nhiều quốc gia ở EU tăng mạnh ở mức 2 con số: Bỉ tăng 37,0%, Hà Lan tăng 23,4%; Italia tăng 14,3%, Tây Ban Nha tăng 39,2%, Cộng hòa Séc tăng 36,5%, Thụy Điển tăng 30,8%...
Dù tình hình dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 đang diễn biến phức tạp nhưng các DN XK giày dép vẫn kỳ vọng thời gian tới sẽ có sự tăng trưởng mạnh về đơn hàng và kim ngạch. Bởi vì Việt Nam vốn có lợi thế về phục hồi sản xuất sau Covid-19 so với các nước khác. Bên cạnh đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp duy trì tăng trưởng XK.
Tuy nhiên, từ đại dịch Covid-19 cho thấy đứt gãy chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất. Do đó, các DN XK giày dép cần lưu tâm là nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề về chuỗi cung ứng thì bản thân DN sẽ rất bị động.
Trong thời gian tới, giới chuyên gia có lời khuyên đến các DN trong ngành giày dép, cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bên cạnh đó, ngành cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành DN.
Trên thực tế, so với XK dệt may thì XK giày dép được đánh giá là tận dụng tốt hơn FTA Việt Nam - EU (EVFTA) để XK vào EU. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính từ tháng 8/2020 (ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực) đến ngày 31/12/2020, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam (bao gồm giày dép và các mặt hàng túi xách, ví, vali…) XK sang EU được các cơ quan, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA là 1,37 tỷ USD, còn trong quý I/2021 đã đạt 1,17 tỷ USD.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thế Vinh