Tại Hội nghị "Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại" ngày 24/7, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá công tác này đến nay so với mục tiêu chưa đạt, vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới mà không thu hẹp được.
Cải cách "nửa vời"
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 4 năm qua đã cắt giảm được hơn 4.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Theo ông Cung, con số này là rất ít, thực tế vẫn còn nhiều thủ tục cải cách nửa vời, chồng chéo.
Ông Cung dẫn chứng, có đến 50% các mặt hàng đang chịu sự kiểm tra của 2 – 3 bộ, thậm chí trong cùng một bộ nhưng có những mặt hàng phải do 2 – 3 cục, vụ kiểm tra…
Ngoài ra, thống kê của CIEM cho thấy, hiện có 350 văn bản pháp luật, trong đó Bộ NN&PTNT có 100 văn bản, Bộ Công Thương có 35 văn bản… cần phải nhanh chóng tiến hành cải cách.
Vì vậy, theo ông Cung, nên tính tới việc sửa đổi luật, các bộ cần xem xét sửa đổi những thông tư mà DN phàn nàn về những chi phí thực sự bất hợp lý về thủ tục.
Đại diện cho DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc thực thi công vụ hoặc sửa đổi văn bản giảm gánh nặng cho DN đâu đó vẫn có bất cập.
Riêng với kiểm tra chuyên ngành, ông Nam cho biết DN rất tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến để cắt giảm danh mục, thậm chí một số văn bản không được gửi tới DN nhưng DN vẫn tự tìm hiểu để nghiên cứu. Trong khi đó, một số cơ quan vẫn ngại tham khảo ý kiến của DN. Ông Nam mong muốn khi ban hành văn bản, các cơ quan cầu thị và coi DN là đối tác.
Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, tới 19,4% |
Chưa kết nối vì lo giảm quyền lợi?
Không chỉ KTCN, Cơ chế một cửa quốc gia cũng đang tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt cơ chế này chỉ mới kết nối những thủ tục ít người sử dụng, những thủ tục nhiều người sử dụng thì không kết nối.
Ông Cung cho rằng: "Bản thân Cơ chế một cửa quốc gia cũng rất ít mở cửa kết nối với những thủ tục mà nhiều người sử dụng để mang lại lợi ích cho nhiều người. Kết nối như vậy là chưa thực chất. Theo quan điểm của tôi, kết nối những thủ tục ít người sử dụng thì quyền lợi bị giảm đi ít, còn những thủ tục nhiều người dùng thì dường như chưa kết nối do quyền lợi bị giảm đi nhiều".
Phía Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhận định: Kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp, đạt 53/283 thủ tục.
Lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ Tài chính cho rằng Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì số lượng hàng hóa phải KTCN còn chiếm tỷ trọng lớn (19,4%). Khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các DN được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến, nhiều mặt hàng chưa có mã số hồ sơ, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn…
Ngoài ra, một số bộ đã bãi bỏ hoặc chuyển thời điểm kiểm tra mặt hàng từ trước thông quan sang sau thông quan, song vẫn quy định DN phải nộp chứng từ cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.
Cơ chế một cửa quốc gia chính thức được triển khai từ tháng 11/2014, với các thủ tục ban đầu bao gồm một thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công Thương và ba thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ GTVT chủ trì.
Tính đến ngày 15/7/2018 có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 DN được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Dự kiến, đến hết năm 2019, có 80% trong tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện sẽ được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Riêng đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.
Huyền Anh