Với quy mô thị trường lên tới hơn 7 tỷ USD/năm, tỷ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm gần 40% trong số 100 triệu dân, cộng với mức sống đang được nâng cao, thị trường đồ chơi Việt Nam đang đón nhận sự gia tăng của các thương hiệu đồ chơi trên thế giới.
Tiềm năng lớn từ thị trường đồ chơi trẻ em
Đánh giá về quy mô thị trường đồ trẻ em ở khu vực Đông Nam Á, Công ty nghiên cứu thị trường Grand View Research cho rằng, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất. Trong đó, 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi.
Đây là phân khúc thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm mẹ và bé, đồ chơi trẻ em đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa khai thác hết. Tính trung bình trong cả nước, mỗi phụ huynh chi tiêu cho một trẻ khoảng 500.000 đồng/tháng. Riêng ở TP.Hồ Chí Minh, mức này cao gấp 3 lần, khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Thị trường đồ chơi Việt Nam vẫn đang bị chi phối mạnh bởi các sản phẩm nhập khẩu |
Trong khi đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, tham gia thị trường đồ chơi của Việt Nam những năm qua vẫn nổi lên một số tên tuổi lớn trong nước như: Công ty Nhựa Chợ Lớn, Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh, Công ty ANTONA, Nhựa Long Thủy, LHT, Đại Đồng Tiến…
Tuy nhiên, những sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn đang thiếu chỗ đứng trên thị trường đồ chơi trẻ em, và thị trường này vẫn đang bị chi phối mạnh bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Thông thường, trong một cửa hàng đồ chơi, có khoảng 70% đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc, Mỹ và các nước Châu Âu…, còn đồ chơi xuất xứ Việt Nam chỉ chừng 30%. Trong khi đó, tại một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ đồ chơi có thương hiệu ở mức 50-60%. Với thu nhập và nhận thức của phụ huynh về mức độ an toàn của đồ chơi với con trẻ ngày càng cao, thị trường đồ chơi an toàn và rõ ràng nguồn gốc sẽ tăng lên trong thời gian tới", một chuyên gia nói.
Theo giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi tại Hà Nội, các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc thường có giá rẻ nhưng chất lượng không rõ ràng, phần lớn sản phẩm được sản xuất từ các loại nhựa tái chế.
Tuy nhiên, xu hướng chi tiêu năm nay của các bậc phụ huynh đã có sự thay đổi, khi đa số đều lựa chọn các cửa hàng, nhà sách uy tín để đảm bảo đây là nơi bán những hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận an toàn sức khỏe cho các con khi sử dụng.
Đồng thời, ngoài tiêu chí về đảm bảo an toàn thì tính giáo dục, giải trí cho con em mình mỗi khi sử dụng một sản phẩm đồ chơi nào đó cũng là yếu tố được các phụ huynh quan tâm hiện nay.
Người Việt có xu hướng lựa chọn đồ chơi nội
Theo ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, đồ chơi có xuất xứ trong nước rất được các bà mẹ quan tâm. Có đến 52% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Đây là cơ hội tốt cho các công ty trong nước, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường đồ chơi Việt Nam cũng chứng kiến một sự chuyển giao thế hệ. Hơn 70% bà mẹ đang ở dưới 40 tuổi, am hiểu công nghệ và nắm bắt xu hướng. Các bậc phụ huynh giờ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng.
Những loại đồ chơi mà doanh nghiệp lựa chọn không những phải đảm bảo đúng yếu tố "thông minh" mà còn phải đạt tiêu chuẩn về màu sắc, mẫu mã, kích thước.
Đặc biệt là đa dạng sản phẩm để các bậc phụ huynh có thể tùy ý lựa chọn theo sở thích và túi tiền của mình.
Dưới góc nhìn của Công ty Cổ phần Sản xuất và Nhập khẩu Đồ chơi Tự Lập, do lo ngại các sản phẩm Trung Quốc không an toàn nên các bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn các mặt hàng đồ chơi cho các bé có xuất xứ trong nước, và siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưu tiên tìm đến.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các thị trường ngách mà các sản phẩm nhập khẩu cũng như các công ty nước ngoài chưa nắm giữ để phát triển.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu đối thủ để tìm ra những ưu nhược điểm của họ và so sánh với mình để dần cải thiện song song với phát huy điểm mạnh mà mình có.
Thực tế, thời gian gần đây, nắm bắt nhu cầu khách hàng, các doanh nghiệp nội nghiên cứu và thay đổi mẫu mã, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, việc quan tâm đến xây dựng các tiêu chí đầu vào, đảm bảo thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Nhà nước, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho nguyên vật liệu của sản phẩm do vậy cũng đang được nhiều chủ cửa hàng kinh doanh quan tâm khi lựa chọn các sản phẩm đồ chơi để bán.
Do vậy, gần đây, tỷ lệ đồ chơi là hàng Việt tại nhiều cửa hàng đã được tăng lên. Ngoại trừ một số sản phẩm trong nước không sản xuất, các sản phẩm còn lại như búp bê, thú nhồi bông, bộ lắp ráp gỗ, ráp chữ, cờ vua, robot…, các cửa hàng đều ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chế tạo trong nước để bán. Nhờ đó, tại một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, tỷ lệ đồ chơi “made in Viet Nam” đang đạt gần 60%.
Huyền Anh