Cục Xúc tiến thương mại quốc tế của Thái Lan khuyến nghị các doanh nghiệp nước này nghiên cứu khả năng khai thác thị trường bán lẻ đang phát triển ổn định tại Việt Nam. Theo cơ quan này, các nhà bán lẻ Việt Nam đã trở nên hiện đại và đặc biệt cởi mở với đầu tư, hợp tác, mang đến cơ hội bán hàng.
Đổ hàng tỷ USD vào thị trường Việt Nam
Các doanh nghiệp Thái Lan đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập, góp vốn, hàng Thái Lan không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.
Điển hình, Tập đoàn Central Retail cho biết sẽ đầu tư 50 tỷ Baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong 5 năm tới. Đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất mà tập đoàn này đổ vào Việt Nam từ trước đến nay.
Theo ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Retail, tập đoàn này coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn khi kinh tế tăng trưởng liên tục. Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay và năm sau sẽ đạt lần lượt 6,7% và 7,2% so với mức trung bình 3,5%/năm của Thái Lan.
Chuỗi siêu thị GO mang lại doanh thu lớn cho đại gia Thái Lan. |
Với khoản đầu tư này, Tập đoàn Central Retail sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt ở 57 trên tổng số 63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Hay như tại Đại hội thường niên 2023, Ngân hàng SHB cho biết, thương vụ bán công ty tài chính cho người Thái với giá nghìn tỷ đã hoàn tất. SHB đang thực hiện các thủ tục hành chính cuối cùng.
Trước đó, hồi năm 2015, giới đầu tư chứng kiến Central Group - tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat mua lại 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy đình đám Nguyễn Kim. Sau đó, tỷ lệ sở hữu của tập đoàn nâng lên là 100%. Ngoài ra, tập đoàn Thái còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi - thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Có thể nói, những doanh nghiệp mà "đại gia" Thái Lan thâu tóm trở thành "cỗ máy in tiền" mang lại doanh thu tỷ USD cho doanh nghiệp. Do đó, các siêu thị của người Thái Lan như MM Mega Market, Big C, Tops Marget, GO! cũng dành diện tích ưu tiên cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lẫn chương trình truyền thông quảng bá sản phẩm Thái Lan đến khách hàng Việt Nam.
Không chỉ ở các siêu thị lớn, cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu Thái Lan mà mỹ phẩm, hàng tiêu dùng (kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, nước giặt, dầu nóng…), thời trang, bánh kẹo, thực phẩm, hàng điện tử xuất xứ từ đất nước chùa vàng còn tràn ra chợ đầu mối, chợ lẻ, tiệm tạp hóa… ở thành thị lẫn nông thôn.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định, năm 2023, ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch.
Tương tự, các thương hiệu ẩm thực, đồ uống Thái Lan với nét đặc trưng nên luôn thu hút lượng khách hàng ổn định.
Doanh nghiệp Thái muốn khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam
Không chỉ thâu tóm các doanh nghiệp Việt, gần đây tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ Thái Lan mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng.
Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối hàng Thái Lan tại Việt Nam cho hay, hàng Thái Lan đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt, phù hợp với túi tiền và tiêu chí chất lượng của người Việt Nam. Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, người tiêu dùng luôn có thiện cảm với hàng Thái Lan. "Đó là những lợi thế lớn để các doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng Thái Lan đang tích cực tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam", vị giám đốc này cho hay.
Ngoài ra, hàng Thái Lan đang có nhiều lợi thế cạnh tranh ở phân khúc cửa hàng chuyên doanh, kênh thương mại điện tử, chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống. Lý do là ở phân khúc này, sản phẩm Thái Lan rất đa dạng, thay đổi nhanh theo thị hiếu tiêu dùng.
Trích dẫn số liệu của Trung tâm Thương mại Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, ông Phusit Ratanakul Sereroengrit cho biết, doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 350 tỷ USD (12.130 tỷ Baht) vào năm 2025.
Ông Phusit khuyến nghị các doanh nghiệp Thái Lan cải thiện thương mại, thực hiện sản xuất thân thiện với môi trường và chú ý đến kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh để thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nhân Thái Lan cũng nên chú ý đến thương mại điện tử vì giao dịch trực tuyến đang là xu hướng tại Việt Nam và việc bán hàng qua mạng xã hội sẽ cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Việt.
Thương mại điện tử là lựa chọn thú vị cho các doanh nghiệp Thái Lan muốn mở rộng giao thương tại thị trường Việt Nam nhờ chi phí vận hành thấp so với mở cửa hàng truyền thống, theo quan chức DITP. Tuy nhiên, ông Phusit khuyên các doanh nhân Thái Lan muốn thâm nhập thị trường trực tuyến của Việt Nam nên nghiên cứu các luật và quy định của đất nước liên quan đến giao dịch trực tuyến.
Ông Phusit cho biết, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế của Thái Lan sẽ tổ chức các hoạt động tại Việt Nam, như xúc tiến bán hàng giữa các cửa hàng bán lẻ Thái Lan và Việt Nam từ 1 - 14/8 năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những thương vụ bán vốn cho nước ngoài tại các doanh nghiệp sản xuất đầu ngành, hay sự đổ bộ của các doanh nghiệp tiêu dùng Thái Lan khiến nhiều người lo ngại nền sản xuất vốn khá yếu của Việt Nam có thể trở nên mong manh hơn. Cùng với đó, hiện nay, đa phần các doanh nghiệp nội địa vẫn có quy mô rất nhỏ, nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước vật lộn với khó khăn trong cả năm qua. Do đó, doanh nghiệp nội không đủ sức để cạnh tranh.
Thanh Hoa