Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện các giải pháp ứng phó dịch tả lợn châu Phi dịp Tết Nguyên đán |
Tại Hội nghị báo cáo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi 2019 - 2020, Bộ NN&PTNT cho biết kể từ năm 2018, dich tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trên khắp cả nước, tuy nhiên với những nỗ lực của cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu các giải pháp hệ sinh thái phòng chống dịch bệnh, trong đó đang tập trung vào các giải pháp an toàn sinh học; nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh bước đầu có kết quả khả quan.
Kể từ tháng 6/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã giảm mạnh. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy 50 nghìn con, giảm 67% so với tháng 11/2019 và giảm 96% so với tháng 5/2019 là tháng cao điểm.
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 16/12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.557 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.953.911 con; với tổng trọng lượng là 340.691 tấn (chiếm khoảng 9,0% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Hiện, có 5.924 xã (chiếm 69,2 tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố với tổng số tiêu hủy là 4.085.556 con đã qua 30 ngày. Đặc biệt tính đến thời điểm này, tỉnh Hưng Yên đã hết dịch, tỉnh Hải Dương đã có 100% xã đã qua 30 ngày; 19 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
Bộ NN&PTNN cho biết, cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh.
Hiện, Bộ NN&PTNN đang đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân; chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc xin và hệ sinh thái các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, mặc dù dịch bệnh đang giảm mạnh, nhưng do chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Cùng với đó, vi rút có thể sống lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao; đường lây truyền bệnh rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Đặc biệt, các tháng sắp tới có thời tiết thay đổi bất lợi, mưa phùn kéo dài, gia tăng vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ lợn vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm 2020. Do đó, nguy cơ dịch bệnh tái phát là rất cao, ảnh hưởng đến việc nuôi tái đàn lợn, kể cả các trang trại chăn nuôi công nghiệp cũng có nguy cơ bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng công tác phòng chống dịch thời gian tới cần được thực hiện sát sao, nghiêm túc và kịp thời với tính thời sự của dịch. "Các địa phương nghiên cứu các phương án để thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo một chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào như: thức ăn, con giống, thuốc thú y.... cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm như: giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm", ông Tiến đề nghị.
Hoàng Hà