Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).
Nguy cơ lây lan dịch
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ tháng 6 đến nay, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, giá thịt tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 và đang ở mức khá cao. Nguyên nhân tăng giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, kiểm soát dịch nên hạn chế lưu chuyển thịt giữa các địa phương gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số nơi, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn lợn trên cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh (20%) so với cùng thời điểm năm 2018. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi tăng mạnh.
Những khó khăn từ thị trường nội địa kèm theo đó là sự chênh lệch giá lợn trong nước và các địa phương phía Campuchia đã khiến tình trạng buôn lậu lợn có dấu hiệu tăng cao.
Theo đó, hàng trăm con lợn nhập lậu đã bị lực lượng chức năng các tỉnh biên giới Tây Nam thu giữ và tiêu hủy. Số lượng trung bình mỗi chuyến bị thu giữ đạt khoảng 50 con với tải trọng gần 5.000kg.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường An Giang, giá lợn hơi ở Việt Nam đang cao hơn giá lợn hơi ở Campuchia khoảng 10.000 đồng/kg, nên cứ mỗi 1 tấn lợn hơi nhập lậu thành công, các đối tượng buôn lậu sẽ thu về hàng chục triệu đồng lợi nhuận.
Mới đây, ngành chức năng tỉnh An Giang đã đưa ra báo cáo chưa đầy đủ về việc phát hiện xử lý các vụ vận chuyển lợn nhập lậu tại địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến ngày 19/11 đã phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm với hơn 400 con lợn có tổng trọng lượng khoảng 30 tấn từ Campuchia vào Việt Nam.
Dù các mẫu lợn nhập qua xét nghiệm đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi nhưng An Giang là một “điểm nóng” của dịch khi ghi nhận 1.223 ổ dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố; tiêu hủy gần 28.000 con lợn mắc bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết dù dịch tả lợn đang được kiểm soát và khống chế trên địa bàn tỉnh nhưng các địa phương bên kia biên giới Campuchia lại đang có diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm qua lợn thịt, các sản phẩm động vật từ Campuchia vào tỉnh An Giang là rất cao.
Yếu tố thói quen
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, từ nhiều năm nay, khẩu phần ăn của người Việt có tới 70-75% là thịt lợn, thịt gia cầm chiếm 20-25%, thịt bò và gia súc khác chỉ khoảng 5-10%.
Trong khi đó, tại đa phần các nước trên thế giới, khẩu phần thịt rất cân đối: thịt lợn chỉ chiếm khoảng 30%, các loại thịt gia cầm 30-40%, 30% là thịt bò, cừu…, còn lại là cá.
Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao, nguồn cung giảm, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được dập tắt, các cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến nghị về việc thay đổi thói quen sử dụng thịt, chuyển sang các loại thịt khác rẻ hơn như gà vịt, cá thì cơ cấu các loại thịt sẽ về mức hợp lý hơn.
Tuy nhiên, xu hướng dùng thịt lợn trong bữa ăn vẫn được người tiêu dùng lựa chọn dù giá tăng “phi mã”, đặc biệt dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng mạnh. Chính thói quen tiêu dùng này đã góp một phần khiến tình trạng nhập lậu thịt lợn nhen nhóm.
Theo dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình nhập lậu lợn vào Việt Nam có thể ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trước tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn chỉ đạo các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu.
Theo đó, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh này chủ động xây dựng phương án phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan, công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường các địa phương tiêu thụ cũng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết mổ gia súc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong việc kiểm tra ngăn ngừa lợn nhập lậu, ngoài vai trò của ngành thú y, biên phòng, quản lý thị trường, công an, còn đòi hỏi sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các địa phương để có thể đạt hiệu quả cao.
Vân Linh