Cụ thể, tháng 5, đỉnh điểm dịch cả nước đã tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn, sau đó đã có chiều hướng giảm mạnh (tháng 9 tiêu hủy gần 679.000 con lợn, giảm 46,6% so với tháng 5). Dự báo đến hết tháng 10, khoảng 500.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, giảm 26% so với tháng 8 và giảm 60,7% so với tháng 5.
Về nguyên nhân giảm, ông Long cho biết, do giai đoạn đầu, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lợn bị bệnh đã được xử lý tiêu hủy, nhất là tại các tỉnh phía Bắc có mật độ chăn nuôi cao. Các hộ chăn nuôi hiện nay đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
Bên cạnh đó, là có sự điều chỉnh và chỉ xử lý tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết và lợn dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn khỏe mạnh cho phép tiếp tục theo dõi, hoặc lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì được phép giết mổ, tiêu thụ tại địa bàn có dịch.
Số lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh (Ảnh Internet) |
Theo ông Nguyễn Văn Long, lũy kế từ đầu tháng 2 đến ngày 15/10/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 5,6 triệu con với tổng trọng lượng hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Hiện có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Có 4.632 xã thuộc 606 huyện của 63 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Hiện nay có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày không có bệnh dịch tả lợn châu Phi như: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Cao Bằng và Bắc Giang. Đặc biệt, Hưng Yên đang tiến hành các thủ tục công bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Long, hiện cả nước có trên 2.000 xã chưa bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, các các xã này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh dịch nếu không tổ chức chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Vũ Trọng