CTCP Pacific Foods đã hoàn thành việc xuất khẩu (XK) lô hàng gạo cuối cùng trong năm 2021 vào hôm 31/12/2021 với hơn 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng 25 sang thị trường Canada.
Nhiều cơ hội mở ra
Đây là lô hàng gạo XK đầu tiên công ty này sang thị trường Canada và cũng là lô hàng “chốt sổ” năm 2021, sử dụng tàu biển, từ cảng Cát Lái (Tp.HCM) với hải trình tới Vancouver. Lô hàng sẽ cập bến Canada trong hơn 30 ngày tới.
![]() |
Chuỗi giá trị nông sản Việt đang được kỳ vọng sẽ thích ứng tốt nhằm đạt mục tiêu XK cán mốc 49 tỷ USD trong năm 2022. |
Lô gạo XK nêu trên được sản xuất thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp của phía doanh nghiệp (DN), quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống tới hạt gạo nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe nhất của thị trường Bắc Mỹ.
Đây cũng là DN có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn thông qua liên kết cùng các hợp tác xã với sự hướng dẫn của đội ngũ kỹ sư và quy trình tối ưu hoá các khâu giống – canh tác – thu hoạch và vận chuyển, đảm bảo năng lực cung ứng số lượng lớn gạo mỗi năm cho thị trường.
Với đơn hàng XK nêu trên, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods, bày tỏ niềm tin rằng năm 2022 sẽ mang lại rất nhiều cơ hội ở thị trường nước ngoài cho lúa gạo và các loại nông sản Việt được sản xuất theo hướng bền vững.
Cần ghi nhận hồi giữa năm 2021, dù vào thời điểm “đỉnh dịch” Covid-19, DN này đã XK 2 lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam tới các đối tác quốc tế ở EU để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Giới phân tích nhận định trong năm 2022 dù còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản Việt sẽ thích ứng tốt hơn so với năm 2021. Điều này có thể được yểm trợ từ triển vọng XK ở các thị trường XK lớn đang trên đà hồi phục nhờ tỷ lệ tiêm vaccine trên diện rộng và các gói hỗ trợ sau dịch Covid-19 được triển khai.
Điển hình như việc khôi phục nhập khẩu nông sản Việt vào thị trường EU vào thời điểm này đang được đẩy mạnh, dần dần trở lại nhịp độ như trước, sau nhiều tháng gián đoạn.
Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V (Hà Lan), trong nửa đầu năm 2022, kỳ vọng các nhà máy sản xuất được phục hồi trở lại, các lô hàng nông sản từ Việt Nam xuất sang EU sẽ triển khai mạnh mẽ hơn.
Cơ hội cho nông sản Việt ở EU hay Bắc Mỹ, rồi các thị trường lớn khác trong năm 2022 còn có thể đến từ kênh Horeca (một kênh phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng – khách sạn) đang từng bước mở cửa trở lại. Hơn thế nữa, xu hướng ưa chuộng các loại nông sản thực phẩm chế biến sâu vẫn tiếp tục được ưa chuộng sau dịch ở EU.
Nỗ lực làm chủ tình hình
Để thực hiện mục tiêu XK nông, lâm, thuỷ sản cả nước cho năm 2022 sẽ cán mốc 49 tỷ USD, ngành nông nghiệp xác định phải đẩy mạnh các hình thức liên kết hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Như với chuỗi giá trị ngành thuỷ sản, cơ hội XK cùng sự nỗ lực làm chủ tình hình của các DN lớn là rất quan trọng. Nói về cơ hội cho ngành thuỷ sản, theo nhận định từ các chuyên gia của Công ty chứng khoán VCBS, giá XK kỳ vọng giữ đà tăng trong năm 2022. Giá nguyên liệu tại các quốc gia sản xuất đều tăng, sẽ tạo cơ sở đẩy giá XK.
Phía VCBS cũng đánh giá cao những tiềm năng đến từ các FTA thế hệ mới trong năm 2022. Đơn cử như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng tạo cú hích cho XK thuỷ sản, đặc biệt là tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Về phía DN, như CTCP Vĩnh Hoàn, trong năm 2022 được dự báo sẽ hưởng lợi khi thị trường Mỹ hồi phục trở lại, nhờ duy trì vị thế top đầu DN XK cá tra lớn nhất Việt Nam. Thị trường Mỹ chiếm hơn 40% trong tổng giá trị XK của Vĩnh Hoàn. Kênh Horeca hiện đang chiếm khoảng 60% doanh thu của công ty tại thị trường Mỹ.
Yếu tố mang lại thế mạnh của DN này còn nằm ở việc hoàn thiện hệ sinh thái và chuỗi sản xuất. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đã xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp thuỷ sản công nghệ cao.
Vĩnh Hoàn còn thực hiện đầu tư vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp: Mảng bánh phồng tôm (CTCP xuất nhập khẩu Sa Giang), chế biến rau quả (Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc), sản phẩm protein (Vinh Technology).
Hoặc như CTCP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú với động lực tăng trưởng dài hạn đến từ việc hoàn thiện chuỗi giá trị tôm thông minh. Khu phức hợp của DN được triển khai trên 10.000 ha đất tại tỉnh Kiên Giang, với tổng mức đầu tư là 50.000 tỷ đồng, dự kiến được triển khai trong vòng 6 năm.
Để làm chủ nguồn nguyên liệu sạch, phía DN đã nâng cao các khu vực nuôi truyền thống với “công nghệ 2-3-4” giúp tăng sản lượng và nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu.
Ngoài ra, Minh Phú còn xây dựng khu sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận.
Đặc biệt là việc kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) phục vụ quản lý nuôi tôm… Từ những việc đó, DN có đưa ra mục tiêu năm 2022 có thể nâng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu sạch lên 30%, đến năm 2025 là 70% và 100% vào năm 2030.
Thế Vinh