Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống duy trì mức tăng trưởng khá. Trong 9 tháng đầu năm 2018, sản xuất kinh doanh của ngành bia rượu tiếp tục đạt được sự tăng trưởng khá với mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng sản xuất bia các loại tăng 7,1%, dự kiến tăng trưởng sản lượng sản xuất bia năm 2018 sẽ vào khoảng 5 – 6%.
Sớm "về đích"
Theo xếp loại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam năm 2010 chỉ đứng thứ 94, nhưng đến năm 2016 đã tiến lên vị trí 64 và đứng thứ ba ở khu vực châu Á.
Tại một hội thảo diễn ra cách đây không lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chỉ ra rằng tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc dạng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 8,6 lít cồn/năm.
Lượng tiêu thụ tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất bia rượu của Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.
Tại cuộc họp về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người được tổ chức hồi đầu năm, Bộ Y tế dẫn số liệu cho biết sản lượng bia năm 2017 đã chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,5% so với sản lượng tiêu thụ bia năm 2016.
Tuy nhiên, số liệu từ Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết sản lượng bia năm 2017 chỉ tăng 5,65% so với năm 2016.
Dù là con số tăng trưởng nào thì vấn đề đáng chú là con số mục tiêu mà ngành bia đặt ra vào năm 2020 – tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia sẽ đạt 4,5 tỷ lít, tăng khoảng 1,3 tỷ lít so với năm 2014, đã "về đích" sớm hơn tới gần 3 năm.
Đồng thời, sản lượng rượu cũng đang tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2016, sản lượng rượu thủ công đạt 188 triệu lít, trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép là 32 triệu lít.
Hiện, Việt Nam có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm và 320 cơ sở sản xuất nhỏ có sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất khoảng 250 triệu lít/năm.
Với hơn 4 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm 2017, Việt Nam trở thành thị trường bia lớn thứ ba thế giới, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là "cường quốc sử dụng rượu bia" đầy sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngoại.
Tiềm năng của thị trường bia Việt Nam rất lớn hấp dẫn các DN ngoại |
DN ngoại muốn "thâu tóm"
Cuối năm 2017, thị trường bia Việt Nam đã "dậy sóng" khi 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với trị giá gần 5 tỷ USD đã thuộc về Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Sau thương vụ Sabeco, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục "nhòm ngó" một "con gà đẻ trứng vàng" khác là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Hiện đang có nhiều nhà đầu tư ngoại muốn sở hữu cổ phần ở Habeco. Trong đó có những cái tên "đình đám" trong ngành đồ uống như Heineken, SABMiler, Anheuser – Busch InBev, Asahi, Kirin Holdings, Singha…
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đều muốn sở hữu Habeco để nhanh chóng chiếm được một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới.
Hiện nay, để có chỗ đứng trên thị trường, các nhà đầu tư phải mất vài năm. Thậm chí, có nhiều "ông lớn" ngành bia không gặp may dù đã đổ cả núi tiền vào thị trường như trường hợp của Masan sau 4 năm cho ra mắt thị trường sản phẩm bia Sư tử trắng nhưng tới nay, trên kệ siêu thị cũng như các đại lý rất ít xuất hiện sản phẩm này…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện nay, thị phần đồ uống có cồn phần lớn đang rơi vào tay hai DN là Sabeco và Habeco.
Đứng đầu là Sabeco, trung bình cung cấp ra thị trường khoảng 1,77 tỷ lít/ năm, tiếp đến là Habeco với sản lượng 657,6 triệu lít. Thị phần còn lại thuộc về các DN ngoại, DN nhỏ và vừa khác.
Do đó, một chuyên gia cho rằng "thâu tóm" hai ông lớn ngành rượu bia là bước đi chắc chắn và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của các nhà đầu tư ngoại.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, cho biết dù sự cạnh tranh của thị trường rượu bia những năm qua vô cùng khốc liệt, song sức hấp dẫn của ngành bia không hề giảm với DN ngoại.
Theo dự báo, thị trường ngành bia năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục sôi động do chính sách thoái vốn của Nhà nước và sự vào cuộc của các hãng bia nước ngoài.
Cũng vì thế, thời gian tới, ngành sản xuất đồ uống nội sẽ gặp khó khăn hơn nhiều do sức ép cạnh tranh từ các DN ngoại. Ngoài ra, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gây áp lực tăng giá bán, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm; sản phẩm rượu bị cạnh tranh với các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc.
Thanh Hoa