Khảo sát tại Hội chợ Xuân Nhâm Dần 2022 (Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), hàng trăm loại đặc sản vùng miền đang hội tụ. Trong đó phải kể tới các sản phẩm như đặc sản Lạng Sơn (lợn quay, vịt quay); hải sản tươi sống và chế biến, chả mực Hạ Long, chả cá thác lác, giò me Nghệ An, trầm hương và nấm lim xanh Quảng Nam, bánh chưng Bờ Đậu, chè Thái Nguyên, thịt đà điểu...
Muôn kiểu hút khách
Bà Nguyễn Hồng Vĩnh, đại diện HTX Tâm Trà Thái (Thái Nguyên) cho biết, năm nay, HTX đem xuống Hội chợ Xuân sản phẩm trà Thái Nguyên, bánh chưng Bờ Đậu có tem truy xuất, đạt chứng nhận OCOP.
Đặc sản vùng miền hấp dẫn người tiêu dùng. |
Mọi năm, HTX bán lẻ được khoảng 10.000 chiếc bánh chưng, vài tạ chè, còn giao đi đại lý tính theo tấn. Năm nay, dù kinh tế khó khăn, đến thời điểm này, sức mua vẫn khá ổn định, do uy tín sản phẩm đã tạo dựng được với người tiêu dùng nhiều năm qua.
Tuy nhiên, để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng, bà Vĩnh cho hay như sản phẩm chè sẽ được đóng gói phục vụ 1 lần pha, gói 1gram đến 1kg. Giá chè Thái Nguyên đạt OCOP 4 sao tới 2-3 triệu đồng/kg vẫn hút khách.
Tương tự, bà Dương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và nông sản sạch Sóc Sơn cho hay, đơn vị này đem đến Hội chợ các sản phẩm như chả cá thác lác, chả mực, giò tai, giò bê..., những món ăn đặc sắc trong mâm cỗ ngày Tết.
Năm nay, để kích cầu sức mua, Công ty sẽ giảm giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi nhuận của mình với người tiêu dùng, tập trung cao điểm vào đợt Tết Nguyên đán. "Sản phẩm sạch, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm nên được đông đảo người tiêu dùng đón nhận", bà Huệ cho hay.
Các đơn vị bán lẻ cũng đang triển khai đẩy mạnh phân phối các đặc sản, thực phẩm từ nhiều vùng miền tới người tiêu dùng. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết: “Đến nay, người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng khi mua sắm, lượng khách hàng và sức mua đều chưa bằng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, với một số dấu hiệu tích cực của thị trường, chúng tôi nhận định sức mua sẽ tăng dần trong thời gian sắp tới, đặc biệt vào giai đoạn cận Tết".
Sức mua tăng theo từng ngày
AEON Việt Nam ghi nhận, lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại và siêu thị của AEON, đặc biệt tại khu vực phía Nam tăng đều qua từng tuần, một phần nhờ những chính sách và chương trình kích cầu tiêu dùng từ các bộ, ban ngành và các tỉnh, thành phố. Trong dịp Tết sắp tới, người dân cũng chưa đi du lịch nhiều, mà chủ yếu dành thời gian cùng gia đình và đến các khu trung tâm mua sắm, các địa điểm trong hoặc gần thành phố.
Theo đó, AEON Việt Nam tăng cường lượng hàng Tết lên khoảng 15% so với mùa Tết 2021, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm Tết gồm thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây); thực phẩm khô (gạo, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát,…).
Đặc biệt, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng sau dịch COVID-19, doanh nghiệp cũng tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đối với các thực phẩm truyền thống như bánh chưng, bánh tét, bánh pía… cùng các đặc sản vùng miền, giỏ quà Tết,… AEON Việt Nam cũng giới thiệu thêm nhiều kích cỡ, nhiều mùi vị với nhiều mức giá.
"Đa dạng về chủng loại, số lượng, kích thước sản phẩm để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp với từng nhu cầu và đối tượng khách hàng, chú trọng vào chất lượng và mức giá ưu đãi", ông Furusawa Yasuyuki chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ước tính nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tươi sống sẽ tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhằm đáp ứng thị hiếu khác hàng cho năm mới 2022, hệ thống siêu thị đẩy mạnh phân phối phục vụ cho khách hàng Ngũ quả ngày tết tùy theo từng đặc điểm vùng miền: Phật thủ cho miền Bắc, các loại bưởi, thơm và dưa hấu khắc chữ cho miền Trung và Nam. Không những vậy, hệ thống siêu thị còn đem các đặc sản vùng miền này phủ sóng tới nhiều khu vực khác nhằm đem đến cho khách hàng đa dạng lựa chọn".
Theo bà Vân, tính tới thời điểm hiện tại, hệ thống Central Retail Việt Nam ghi nhận nhu cầu của khách hàng đang tăng cao, không chỉ đối với các sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt mà còn ở những dòng sản phẩm mùa vụ tết: đồ khô, kẹo mứt tết cũng tăng trưởng vượt trội.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội, năm nay dịp Tết Nhâm Dần 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để phục hồi kinh tế, TP.Hà Nội vẫn tổ chức các hội chợ để đưa đặc sản vùng miền các địa phương về tiêu thụ. Cụ thể, TP.Hà Nội sẽ triển khai tổ chức 3 hội chợ Xuân do các cơ quan nhà nước tổ chức, 10 hội chợ do đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện. Đây sẽ địa điểm lý tưởng để người tiêu dùng trong thành phố đến mua sắm.
"Mỗi hội chợ thu hút 20-30 tỉnh, thành tham gia, đưa hàng hoá vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm OCOP mới được công nhận để quảng bá sản phẩm, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đạt chất lượng", bà Lan nhấn mạnh.
Thy Lê