Đông người bán, vắng người mua là tình cảnh chung của nhiều cửa hàng bán lẻ và các chợ truyền thống ở Tp.HCM trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2022.
Nỗi lo “thắt lưng buộc bụng”
Khi chạy dọc trên “phố thời trang” Nguyễn Trãi (vốn được cho là sầm uất nhất Tp.HCM) vào những ngày này sẽ thấy nhiều cửa hàng đang tung ra các “chiêu” khuyến mãi, giảm giá để xả hàng tồn. Qua quan sát của VnBusiness vào giờ cao điểm thì lượng khách mua sắm khá khiêm tốn so với mọi năm.
Khi người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” trong mùa mua sắm Tết Nguyên đán 2022 thì DN cần có thêm những giải pháp tạo “điểm chạm” đến với họ. |
Điều này đã được dự đoán từ trước khi tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ảnh hưởng lớn đến “túi tiền” của người tiêu dùng ở Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Anh Ngô Minh Hưng, một người làm công ăn lương trú ở quận 5 (Tp.HCM), cho biết Tết năm nay có bao nhiêu thì ăn Tết bấy nhiêu thôi, ráng “thắt lưng buộc bụng” cầm cự sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và kinh tế khó khăn.
“Thú thật là nhiều người cũng giống như tôi, rầu lắm khi mà gần đến Tết nhưng tiền mua sắm không có được bao nhiêu, trong khi có nhiều thứ phải chi tiêu vào lúc này”, anh Hưng bộc bạch.
Quanh chuyện thắt chặt chi tiêu trong mùa mua sắm Tết Nguyên đán 2022, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng các hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) cần tìm ra được “điểm chạm” với người tiêu dùng Việt để đầu ra của hàng hoá được khơi thông tốt hơn không chỉ trong dịp Tết mà cho cả thời gian sau đó.
Như lưu ý của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, giữa tình hình biến động như hiện nay, các thương hiệu có thể khai thác từ khóa “lạc quan” để xây dựng niềm tin và gắn kết người tiêu dùng trong dịp lễ hội.
Hoặc như các chương trình khuyến mãi trong cao điểm dịp Tết, các DN cần để ý nếu không quản lý tốt sẽ dễ gặp phải tình trạng chồng chéo khuyến mại, truyền đạt nhầm chính sách giảm giá hoặc sai tiêu chí khuyến mãi đến chủ cửa hàng.
Điều đó dẫn đến việc chủ cửa hàng lại áp dụng sai khuyến mãi với người tiêu dùng hoặc cố tình tư lợi hàng khuyến mãi dẫn đến hệ quả chương trình khuyến mãi triển khai kém hiệu quả, không thu hút được người tiêu dùng và thua thiệt so với đối thủ cạnh tranh.
Hơn thế nữa, ngoài việc liên tục đẩy mạnh thu hút người mua, điều quan trọng với các thương hiệu Việt cần làm là nâng cao chỉ số trung thành của khách hàng, tăng tỷ lệ tái mua hàng. Nhất là duy trì mức giá hoặc liên tục có mức trợ giá là một chiến lược quan trọng để “chạm” đến người tiêu dùng vào thời thắt chặt chi tiêu này.
Đơn cử như mới đây, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng Việt trong bối cảnh Covid-19 đang tiếp diễn, CTCP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã mở ra chương trình trợ giá 40% so với giá niêm yết liên tục trong 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6/2022) dành cho sản phẩm sữa non công thức mới của họ.
Nên có giải pháp mạnh mẽ và thiết thực
Điều này được xem là “điểm chạm” đến người mua, nhất là hàng triệu người mẹ Việt đang buộc phải cắt giảm chi tiêu, tính toán tiết kiệm trong từng bữa ăn khi thu nhập giảm, chi phí tăng, thậm chí phải giảm bớt khẩu phần sữa của con, dù hiểu con đang trong tuổi ăn tuổi lớn.
Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết giá bán này chắc chắn ảnh hưởng đến doanh thu nhưng phía DN vẫn quyết tâm thực hiện, cố gắng mang đến những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực hơn nữa để chia sẻ gánh nặng của các bà mẹ Việt khi mà dịch Covid-19 đã mang đến nhiều khó khăn chồng chất cho họ.
Cần ghi nhận là trong những tháng giãn cách căng thẳng tại các tâm dịch hồi năm 2021, DN này cũng đã triển khai chương trình trợ giá lên đến 50% giá niêm yết của sản phẩm.
Nên nhắc lại, trong báo cáo Vietnam Insight 2022 của Kantar, có cho biết phần lớn người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu và chỉ mua những mặt hàng thiết yếu.
Chính vì vậy, bên cạnh chính sách về giá thì việc cạnh tranh bằng khuyến mãi, sớm đưa sản phẩm lên thương mại điện tử, giao hàng miễn phí, liên kết với các ứng dụng giao hàng qua điện thoại, bán hàng đa kênh, tinh gọn quy trình bán hàng, tăng cường kết nối với điểm bán để tiến gần hơn đến khách hàng cuối… cũng là những cách để DN “chạm” đến người tiêu dùng.
Như các ứng dụng giao hàng qua điện thoại, trong kết quả khảo sát mới nhất về xu hướng ăn uống năm 2022 của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me có cho biết, 83% người Việt được hỏi có sử dụng các dịch vụ giao hàng đồ ăn/thức uống, cao hơn so với 62% của 12 tháng trước.
Và trong số các khách hàng này, 77% có sử dụng ít nhất một ứng dụng giao hàng trên điện thoại. Có 3 ứng dụng phổ biến nhất là Grab, Now/ShopeeFood và Baemin. Grab là ứng dụng (app) được sử dụng nhiều nhất, trong khi Baemin có gia tăng mức độ phổ biến và duy trì tốt mức độ hài lòng của khách hàng.
Nên để ý trong kết quả khảo sát này là người dùng hài lòng với các tiêu chí như “dễ đặt hàng”, “thái độ nhân viên”, “tốc độ giao hàng” hơn so với “phí giao hàng”.
Có thể nói, để tìm “điểm chạm” đến người tiêu dùng trong thời buổi thắt chặt chi tiêu đang đòi hỏi các DN cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa. Để từ đó vừa thu hút, tiếp cận gần hơn với người mua, cũng như chia sẻ khó khăn với họ trong lúc này.
Thế Vinh