Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, song không khí chuẩn bị hàng Tết xem ra chưa sôi động, lo nhiều hơn mừng.
Doanh nghiệp dè dặt nhưng sẵn sàng 'chiến đấu'
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết như mọi năm, giờ này các doanh nghiệp (DN) thực phẩm đã tăng dự trữ trên 20% so với sản lượng sản xuất bình thường để phục vụ cho thị trường trước, trong và sau Tết.
Các nhà bán lẻ, siêu thị cho biết sẽ tăng hàng cung ứng, dự trữ trong Tết Nguyên đán 2022 từ 20 -30% so với ngày thường. |
Song năm nay, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN vẫn còn khá e dè khi tăng lượng hàng do lo sức mua yếu. Chia sẻ với VnBusiness, bà Chi cho hay, nhiều DN thực phẩm phản ánh sức mua của thị trường đang yếu nên không dám sản xuất hàng loạt như trước đây. Tuy nhiên, sau khi làm việc với Hội, các DN đã khẳng định vẫn tiếp tục tăng lượng hàng dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.
"Nếu biến động về tiêu dùng, không có dự trữ hàng hóa, lúc đó giá cả sẽ tăng, nguy cơ thiếu hàng hiện hữu. Trong dịch còn không thiếu hàng thì không có lý do gì mà Tết Nguyên đán lại thiếu hàng", bà Chi nói.
Theo đó, các DN trong Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM khẳng định sẽ tăng dự trữ, sẵn sàng sản xuất ngày đêm để tăng cung ứng hàng hóa. Nhu cầu tăng lên thì DN sẵn sàng "chiến đấu".
Thông tin tới VnBusiness, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh,thành trên cả nước gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước đạt 3.720.401,13 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, các nhóm giảm mạnh nhất là nhóm du lịch, dịch vụ (giảm từ 22,6-63,8%) do các hoạt động này bị dừng kinh doanh trong giai đoạn các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch; hầu hết các nhóm hàng hóa khác (hàng tiêu dùng, may mặc, phương tiện vận tải, văn hóa phẩm) đều giảm từ 6,68-11,69%.
Riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 4,37% do là nhóm hàng thiết yếu hàng ngày của người dân, kể cả giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp (tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 13-14% của cùng kỳ các năm trước do nhu cầu thực phẩm phục vụ cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn giảm).
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của nhiều bộ phận người dân nhìn chung đều giảm, vì vậy dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, nhằm chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho những tháng cuối năm nay và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Kích cầu không đơn giản là "bơm tiền"
Trong đó, bà Nga cho hay, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, các DN và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo (Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...).
Bộ Công Thương khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm cần thiết trước mọi cấp độ và diễn biến của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ Tết Nguyên đán 2022 (tăng 20-30% so với ngày thường) nên về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định.
Về phía DN, bà Lý Kim Chi kiến nghị hiện sức mua trên thị trường còn yếu. Do vậy, Nhà nước cần cho phép tổ chức các chương trình bán hàng kích cầu, giảm giá để thu hút người dân mua sắm. Điều này sẽ là giúp thị trường hồi phục. "Còn với DN, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu với những khó khăn của dịch bệnh COVID-19 để tăng lượng hàng Tết dự trữ", bà Chi nói.
Về giải pháp kích thích thị trường tiêu dùng trong nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam đang yếu, 3 năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng hai con số, với mức tăng trưởng trên 10%, thì năm nay suy giảm, giờ phục hồi cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 2-3%.
Ông Phương cho rằng kích thích tiêu dùng không đơn giản là Nhà nước "bơm tiền" mà hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân cần phải quay trở lại như bình thường thì lúc đó tổng cầu mới lên. "Cứ bảo người ta mua sắm đi nhưng khu vui chơi giải trí đóng cửa, quần áo mới chỉ để mặc ở nhà thì không ai muốn mua", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận quan trọng nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh để đưa nền kinh tế hoạt động bình thường.
Để ổn định giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; Đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Lê Thúy