Chị Hoàng Thị Huyền (Hà Nội) cho biết dù là mua hàng gì thì chị vẫn muốn nhận được hàng nhanh nhất, có thể luôn trong ngày càng tốt. Vì ngoài nhu cầu cần kíp để phục vụ cuộc sống thì tâm lý muốn khám phá sản phẩm mình mua có giống như trên hình quảng cáo không chính là lý do chị quyết định mua nhiều sản phẩm online.
“Nếu các nhà cung cấp giao được hàng ngay, nhanh thì tình trạng hoãn, hủy đơn cũng sẽ ít xảy ra”, chị Huyền chia sẻ.
Tận dụng cơ hội
Tâm lý của chị Huyền là suy nghĩ của đa số người tiêu dùng. Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy 80% khách hàng mong muốn được giao hàng trong ngày, 61% khách hàng mong muốn tốc độ giao hàng nhanh hơn và thời gian lý tưởng mà người mua hàng muốn nhận hàng là 1-3 giờ sau khi đặt hàng.
Nắm được điều đó, Shopee đã và đang phát triển mảng giao hàng trong vòng 4 giờ. Điều thuận lợi của sàn thương mại điện tử này là tích hợp sẵn Now.vn nay là Shopee Food nên việc đầu tư cho quy trình giao hàng nhanh cũng không gặp mấy khó khăn. Nhờ phát triển dịch vụ này, Shopee đã đứng đầu trong việc thu hút người tiêu dùng. Cụ thể là lượng truy cập của sàn đã đạt tới 89 triệu vào quý IV/2021, tăng 14% so với quý III/2021 và tăng tới 30% so với quý IV/2020.
Trong khi đó, Tiki đã đẩy mạnh tốc độ giao hàng, có thể giao đến tay người tiêu dùng trong vòng 2 - 3 giờ. Hiện, ngoài đầu tư khoảng 100.000 m2 nhà kho, Tiki cũng phát triển mạnh hệ thống Tiki Ngon giao thực phẩm nhanh và đang nghiên cứu để phát triển hệ thống cửa hàng xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM nhằm tiếp tục kéo giảm thời gian giao hàng... Và nhờ đó, lượt truy cập vào quý IV/2021 của sàn thương mại này cũng đứng vị trí thứ 2, với 17,9 triệu lượt.
Ngoài các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng giao vận cũng không bỏ lỡ cơ hội này. Chẳng hạn như Grab đã phát triển danh mục Grab Mart và mới đây nhất là “siêu hội mẹ và bé”. Với ưu thế công nghệ và mạng lưới tài xế rộng khắp, các đơn hàng sẽ được Grab giao đến người tiêu dùng trong vòng 30 phút nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Từ những thế mạnh sẵn có, Grab được đánh giá là có lợi thế trong cuộc đua giao hàng nhanh.
Giao hàng nhanh là cuộc đua giành giật khách hàng của các trang thương mại điện tử. |
Một gương mặt mới tham gia thị trường giao hàng nhanh là Rino. Dù vừa được thành lập vào tháng 2/2022, nhưng Rino đã gọi được 3 triệu USD trong vòng tiền hạt giống từ Global Founders Capital (GFC), Sequoia Capital India, Venturra Discovery và Saison Capital cho mục tiêu giao hàng 10 phút.
Để thực hiện kế hoạch này, Rino sẽ chia từng thành phố thành các khu dịch vụ với bán kính từ 1- 3 km. Mỗi khu vực sẽ có một kho hàng chuyên dụng do Rino sở hữu và điều hành. Việc giao hàng ở chặng cuối được thực hiện theo từng đợt bởi đội ngũ shipper riêng.
Có thể thấy, giao hàng nhanh đang là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Và giao hàng trong 2 giờ trở lại ở nội thành đang trở thành chuẩn mực tốc độ mới của cuộc chơi thương mại điện tử
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử đều phát triển các hạng mục hàng hóa tươi sống thực phẩm, hàng mẹ và bé. Đây là mặt hàng cần kíp nên việc đầu tư cho giao hàng nhanh là hoàn toàn cần thiết.
Đặc biệt khi kinh tế ngày một phát triển, nhiều người cải thiện được thu nhập nhưng lại quá bận bịu cho các công việc gia đình nên giao hàng nhanh được đánh giá là dịch vụ tiềm năng hiện nay.
Không hề dễ dàng
Tuy đầu tư và nắm bắt được xu hướng thị trường nhưng thực tế cho thấy, các sàn thương mại điện tử hiện nay mới chỉ thực hiện theo kiểu liên kết với các bên thứ 3 là các cửa hàng bán hàng có sẵn trên thị trường để tối ưu nguồn lực. Sau đó, họ mới đánh giá nhu cầu của từng khu vực với từng mặt hàng và phát triển các cửa hàng bán lẻ hoặc trung tâm phân phối của riêng mình.
Như vậy, việc tham gia cuộc đua giao hàng nhanh của các sàn thương mại điện tử vẫn còn ở bước đầu. Nguyên nhân là để thực hiện dịch vụ này hoàn hảo, các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư xây dựng, thuê mặt bằng cho các cửa hàng, nhà phân phối để có thể rải đều khắp nơi.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải biết cách thu hút người tiêu dùng bằng các chương trình khuyến mãi. Nhưng để làm được điều này là không hề dễ dàng. Hiện, chỉ ít đơn vị làm được, bởi giao hàng nhanh phải đi kèm với số tiền ship tương ứng (tùy vào từng mặt hàng).
Đáng chú ý, nếu như các sàn thương mại điện tử vẫn đang thực hiện thu phí ship ở mức 20-30 nghìn đồng/đơn hàng thì ứng dụng Loship đang thực hiện giao hàng với mức phí... 0 đồng. Có thể đây chính là thế mạnh giúp đơn vị này mỗi ngày xử lý khoảng 100.000 đơn hàng bao gồm cả đồ ăn và đồ tươi sống, đồ tiêu dùng dùng nhanh.
Cuộc chiến giao hàng nhanh dự báo sẽ còn căng thẳng và khốc liệt hơn, bởi không chỉ phải bỏ nhiều nguồn lực, các sàn thương mại điện tử còn phải cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, công ty điện máy.
Hiện, các cửa hàng tiện lợi như Family Mart, Bibomart, Con Cưng… đều đạt đến một quy mô phát triển nhất định như hệ thống cửa hàng trải khắp các thành phố, giao hàng trong ngày nên rất dễ đến gần người tiêu dùng.
Hay mới đây nhất là trang thương mại điện tử VuiVui.com của Thế giới Di động cũng đã quay trở lại hoạt động vào đầu năm 2022, sau 2 năm tự động “đóng cửa”. Việc quay lại thị trường thương mại điện tử cho thấy Thế giới Di động cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chơi giao hàng nhanh khi doanh thu online của đơn vị này đạt 14.370 tỷ đồng vào năm 2021 (tăng 53% so với năm 2020). Ngoài ra, Thế giới Di động cũng được đánh giá cao về mặt công nghệ.
Theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp muốn đáp ứng nhu cầu nhanh và tiện của người tiêu dùng thì phải đầu tư không ít về công nghệ, kho hàng, xây dựng đội ngũ tài xế, liên kết với các đơn vị bán hàng... Còn nếu không đầu tư bài bản thì đồng nghĩa với việc không đáp ứng được nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng.
Cũng giống như Adayroi, tuy đã đạt được không ít kết quả trong giao hàng nhanh, nhất là mặt hàng tươi sống trong vòng chưa đầy 2 giờ nhờ liên kết với các siêu thị Vinmart. Tuy nhiên, hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí giao hàng cao là một trong những nguyên nhân khiến Adayroi phải dừng cuộc chơi.
Tùng Lâm