Thời gian gần đây, nhu cầu về tìm việc làm trên mạng nở rộ vì nhiều người lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, những người muốn chuyển đổi công việc, những bà mẹ bỉm sữa mong kiếm việc làm thêm giờ rảnh để tăng thu nhập, nhân viên văn phòng, sinh viên làm part time muốn gia tăng kinh nghiệm, có thêm khoản thu nhập... Đây là cơ hội để các đối tượng lừa đảo tận dụng kẽ hở trên không gian mạng nhằm kiếm lợi bất chính. Hàng loạt “siêu content” săn những người nhẹ dạ cả tin, và “con mồi” dễ dàng sập bẫy.
Lùa "gà"... sập bẫy
Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều nhóm tuyển dụng có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia: Việc làm online, Việc làm thêm online cho Học sinh-Sinh viên, Tìm việc online ở nhà... Chỉ cần tạo bài đăng tuyển dụng hoặc tìm việc làm thêm, ngay lập tức sẽ trở thành diễn dàn sôi nổi của những lời quảng cáo hấp dẫn về việc làm nhàn nhã, thu nhập cao. Ở chiều ngược lại, lượt bài tố lừa đảo cũng không kém phần sôi động.
Trong vai người lao động mong muốn tìm việc làm thêm, phóng viên VnBusiness quan tâm bài đăng của tài khoản T. Sương trong nhóm Cộng đồng copywriter có nội dung giới thiệu: viết bài bình luận sản phẩm cho hãng được 5.000 - 10.000 - 15.000 đồng/bài, thu nhập cho 1-2 giờ làm là 150.000-200.000 đồng tùy độ siêng năng. Chủ tài khoản này nhanh chóng trả lời tư vấn.
Theo đó, chủ tài khoản T. Sương gửi rất nhiều hình ảnh là phản hồi cảm ơn của cộng tác viên trước đó để chứng thực thu nhập có thật, đáng tin. Rồi T. Sương tiếp tục gửi đường link trang web shop5t.com đánh giá sản phẩm, tuy nhiên bình luận sẽ chỉ mở khi tài khoản được kích hoạt. T. Sương giới thiệu, giá kích hoạt tài khoản là 495.000 đồng với lời hứa hẹn cộng tác viên sẽ không mất thêm phí, được sử dụng mãi mãi và không giới hạn bài đăng.
Và đây chính là bước đi “lùa gà” quen thuộc mà những "chuyên gia" lừa đảo thường sử dụng trong nhiều nhóm tuyển dụng khác.
Trước đó, tài khoản Trang Trang trong nhóm Kiếm tiền online, tài khoản Ng.P. Thu trong nhóm Chợ viết - Thuê viết bài - Tuyển dụng content chia sẻ lại quá trình bị lừa mất số tiền kích hoạt tài khoản để cảnh báo các thành viên khác: Sau khi làm theo các bước được hướng dẫn thì được mở bình luận, nhưng chỉ được một vài bình luận được chấp nhận, còn đa số đánh giá khác đều thông báo không được duyệt. Thực chất đây là hình thức bán khóa học nhận tiền hoa hồng 250.000 đồng/người, nếu muốn “kéo lại vốn” thì phải mời người tiếp theo tham gia.
Những "chiếc bánh ngọt" về việc làm online nhẹ nhàng nhưng lương cao được mời mọc nhan nhản trên mạng khiến nhiều người "sập bẫy" |
Thực tế, hàng nghìn bình luận chia sẻ rằng bị mất tiền oan từ 50.000 - 500.000 đồng. Vì số tiền không quá lớn hoặc ngại người thân biết đành ngậm ngùi im lặng. Hầu như các nạn nhân đều trở thành người mua hàng bất đắc dĩ, lao động không công, bị “bùng” tiền công, chặn liên hệ ở các dạng công việc: dán tem son, đính tranh, cắt tem mác quần áo, đọc báo sửa lỗi chính tả, đánh văn bản, đánh mã, đăng bài vào các hội nhóm, viết review, xem video... Hay hình thức khá phổ biến là lợi dụng tên tuổi của một số trang thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki tuyển cộng tác viên đẩy tương tác, tăng lượng đơn ảo, chạy quảng cáo.
Cảnh báo không mất tiền cũng sẽ lộ thông tin
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp giao dịch việc làm bị mất sạch tiền trong các tài khoản, ví điện tử, bị đăng nhập thiết bị máy tính, điện thoại đánh cắp thông tin, bị cắt ghép hình ảnh bôi nhọ danh dự... Số vụ bị lừa mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cũng là vấn đề nóng.
Điển hình như, ngày 20/2, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) nhận được đơn trình báo của chị H. (sinh năm 1984, ở quận Đống Đa) bị lừa đảo chuyển khoản mất hơn 800 triệu đồng từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử. Vụ việc vẫn đang được Công an quận Đống Đa điều tra làm rõ.
Mới đây, website chính thức của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đưa ra cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức mời chào tham gia kiếm tiền trực tuyến thông qua việc xem video, đọc báo nhưng phải nộp tiền để kích hoạt tài khoản. Với số tiền đóng từ 200.000-250.000 đồng mỗi lượt đăng ký, những kẻ lừa đảo sẽ thu về số tiền rất lớn.
Trong khi đó, nhu cầu việc làm tại nhà, việc làm online đang là xu hướng khá phổ biến. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) khuyên người lao động, khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến không truy cập vào các liên kết lạ, không cung cấp những thông tin cá nhân như Căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã xác thực OTP trong giao dịch ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ thông tin các đơn vị tuyển dụng, nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được kết nối công việc phù hợp, tìm kiếm nhà tuyển dụng tin cậy.
Các sàn thương mại điện tử cũng nhiều lần cảnh báo người dùng về tình trạng bị lợi dụng thương hiệu, đề nghị khách hàng không thực hiện các giao dịch, nạp tiền, cung cấp thông tin bên ngoài ứng dụng, website chính thức của các sàn. Đại diện Shopee nhấn mạnh, nếu nhận thấy hoạt động đáng ngờ cần nhanh chóng liên hệ với sàn để xác minh thông tin, đồng thời cần lưu lại toàn bộ bằng chứng giao dịch gửi cơ quan công an, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.
Trên các kênh việc làm trực tuyến, diễn đàn rao vặt, nhóm tuyển dụng... các hoạt động tuyển dụng tạo hiệu ứng lan truyền nhanh chóng, rộng rãi, và đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo giăng bẫy thu về nguồn lợi phi pháp. Thông tin ảo không được kiểm định, đối tượng lừa đảo núp bóng nhà tuyển dụng với những “ma trận” tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt thông tin, thậm chí tấn công đe dọa, tống tiền... Để trở thành người lao động thông minh, người dân nên thận trọng, cảnh giác trước những lời chào mời thiếu thực tế, cùng các đơn vị, cơ quan chức năng chung tay “làm sạch rác tuyển dụng”, hướng tới xây dựng cộng đồng việc làm trực tuyến thiết thực, phát huy tốt năng lực và có thu nhập ngày càng cao.
Nguyễn Luận