Nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán, song trên mạng, các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới phục vụ Tết lại náo nhiệt. Để thu hút khách hàng, dân buôn đều quảng cáo, cam kết là "đổi càng sớm phí càng rẻ, tiền nguyên cọc nguyên seri, nói không với tiền lướt".
Phí cao ngất ngưởng
Được người quen làm ở ngân hàng thông báo năm nay khó đổi giúp tiền lẻ, tiền mới, chị Thanh Hương (Linh Đàm, Hà Nội) tìm đến các cộng đồng mua bán trên mạng xã hội để tham khảo về dịch vụ đổi tiền lẻ. "Các chỗ đang nhận đổi với phí 8-10%, nhưng mức phí cũng đang biến động liên tục, tùy vào nguồn tiền", chị Hương nói và cho biết được một đại lý báo phí lần lượt là 450.000 đồng, 1,8 triệu đồng và 3,3 triệu đồng cho các bó tiền 10 triệu đồng (tờ 10.000 đồng), 20 triệu đồng (tờ 20.000 đồng) và 50 triệu đồng (tờ 50.000 đồng).
Cận Tết, dịch vụ đổi tiền lẻ, mới càng hoạt động rầm rộ. |
Theo khảo sát của VnBusiness, càng gần Tết Nhâm Dần, các dịch vụ đổi tiền lẻ, mới càng phổ biến trên mạng xã hội như Zalo, Facebook cá nhân và các hội nhóm, Fanpage. Hầu hết các địa chỉ này đều công khai phí tương đương nhau, trung bình hiện tại, các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, người đổi bó 100 tờ mới sẽ mất phí lần lượt là 15.000 đồng và 20.000 đồng. Trong khi đó, bó 100 tờ mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng sẽ mất phí lần lượt khoảng 180.000 đồng và 400.000 đồng.
“Lân la” sang một địa chỉ Facebook khác được quảng cáo rầm rộ không kém về dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả phải chăng khi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm. Qua trao đổi, chủ tài khoản cho biết: Nếu khách hàng đổi số lượng tiền lớn thì tính chênh lệch giá quy đổi là 10%. Tức muốn đổi được 10 triệu đồng tiền mới thì người muốn đổi phải bỏ ra 11 triệu đồng. Còn đổi với số lượng tiền ít từ 10 triệu đồng trở xuống tính giá lẻ là 15%.
Mức chênh lệch trên được chủ tài khoản này đưa ra dành cho khách đổi các loại tiền mệnh giá hàng chục nghìn đồng (tức tiền đổi có mệnh giá 10, 20 và 50 ngàn đồng). Còn muốn đổi tiền mới có mệnh giá nhỏ hơn (hàng nghìn) thì tỷ lệ chênh lệch có khi lên đến 30%.
Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019 quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo chủ tài khoản Zalo có tên Nguyễn Thu Hương, năm nay do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lễ chùa, nên nhu cầu các mệnh giá thấp (1.000 đồng, 2.000 đồng) giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu phổ biến đang tập trung ở mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng vì phù hợp cho việc lì xì.
Tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo
Thực tế, từ năm 2013, NHNN đã có chủ trương không in thêm tiền mới mệnh giá thấp vào lưu thông dịp Tết và tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ, trong khi một bộ phận người dân vẫn có nhu cầu về loại tiền này. Đây là lý do dịch vụ đổi tiền lẻ "chui" vẫn tồn tại, nhất là cao điểm Tết.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã có văn bản thông báo đến các đơn vị liên quan đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy định, chỉ đạo của về công tác tiền mặt, nhất là vào dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt, cân đối cơ cấu mệnh giá chi cho khách hàng, tăng cường công tác tuyển chọn, phân loại tiền, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ trong dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán…
Tuy vậy, đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao bởi nhiều trang web đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước nên không ít người đã bị “bùng” tiền khi chưa nhận được tiền mới, tiền lẻ. Đa phần thường bị rút ruột, hoặc tráo tiền giả vào...
Chia sẻ với VnBusiness, chị T.L (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể: Do có nhu cầu đổi tiền các mệnh giá 20.000 đồng và 100.000 đồng để mừng tuổi vào dịp Tết nên chị đã vào nhóm “đổi tiền mới, đổi tiền lì xì” trên mạng xã hội Facebook tìm hiểu. Sau khi "chat" với chủ tài khoản “dịch vụ chuyên nghiệp”, chị Vân được nickname này cho biết tỷ lệ là 5%, trong khi nhiều nơi là 10% nên đã đồng ý. Sau khi gặp trực tiếp và chuyển khoản cho chủ tài khoản này chị nhận được tiền. Về đến nhà đếm lại thì mỗi cọc tiền đã bị "rút ruột” tổng cộng 3 triệu đồng.
“Nếu tính mức lãi 5% cộng với 3 triệu bị "rút ruột", thì chênh lệch tiền đổi đã lên đến mấy chục phần trăm mà tôi vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt”, chị Vân cho hay.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, vào dịp cuối năm, trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội có nhiều tố cáo các chiêu trò đổi tiền bịp bợm của những nạn nhân. Một trong những chiêu trò thường gặp nhất là viện cớ ít hàng, khan hàng rồi đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất... Vì vậy, người dân cần cảnh giác với những chiêu trò "đổi tiền" này kẻo rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang" mà không biết kêu ai.
Huyền Anh