Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho hay, cửa hàng tiện lợi là xu hướng bùng nổ tại Việt Nam trong 3 năm qua. Tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam tăng tới 200% một năm.
Phân khúc nhiều tiềm năng
Các "ông lớn" ngoại đang không ngừng mở rộng "chân rết" cửa hàng tiện lợi phải kể tới như Family Mart có 130 cửa hàng, Shop&Go hơn 160 cửa hàng, Circle K hơn 300 cửa hàng… Bên cạnh đó là những thương hiệu như Bs mart, Ministop, 7-Eleven, GS 25…
Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam cũng đang cho thấy không hề kém cạnh so với khối ngoại. Saigon Co.op có khoảng 300 cửa hàng tiện lợi (Co. op Food và Co.op Smile), Cuối năm 2018, VinMart+ nâng số cửa hàng tiện lợi của mình lên con số 1.700 và đang có kế hoạch nâng lên 4.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc, công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, xu hướng phát triển các cửa hàng nhỏ xuất phát từ việc người tiêu dùng yêu thích sự tiện lợi.
Báo cáo đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho thấy tính đến tháng 10/2018, kênh bán lẻ hiện đại tăng trưởng tới 13% so với cùng kỳ năm 2017 với 7.012 cửa hàng, trong đó có 4.541 siêu thị nhỏ và cửa hàng đồ ăn, cho thấy sự chuyển dịch về xu hướng cửa hàng nhỏ thời gian qua cũng như những năm tới.
Các nhà bán lẻ mang đến sự tiện lợi cho khách hàng bằng việc đặt cửa hàng ở vị trí thuận tiện, gần khu dân cư, danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình và chấp nhận phương thức thanh toán đa dạng, bao gồm các thanh toán không cần tiền mặt.
Trả lời câu hỏi: liệu rằng thời gian qua, cửa hàng tiện lợi đã bước vào giai đoạn phát triển nóng, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), so sánh ở Nhật Bản, cứ 500 mét lại có một cửa hàng tiện lợi.
Mức dân số của Nhật cũng tương đương Việt Nam và cách phát triển ở Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng Nhật Bản. Điều này chứng tỏ các DN bán lẻ vẫn sẽ có rất nhiều tiềm năng đầu tư vào phân khúc cửa hàng tiện lợi.
Tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam tăng tới 200% một năm |
Tiện lợi là "kim chỉ nam"
Hơn nữa, bà Nga cho biết Bộ Công Thương đang đi theo hướng mở rộng đầu tư cả nước ngoài và trong nước ở lĩnh vực này, vì đây là kênh có nhiều ưu việt so với những kênh phân phối khác, phù hợp với khu đô thị – nơi cần phải có tiện ích về thương mại, gắn với các khu dân cư để tránh tắc đường khi phải đi chợ xa…
Đặc biệt, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini dưới 500m2 sẽ không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), là điều kiện thuận lợi để khối ngoại thâm nhập và mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi tại thị trường Việt Nam.
Dự báo thời gian tới, sự phát triển và mở rộng các cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là xu thế và cửa hàng tiện lợi sẽ còn len lỏi đến ngóc ngách các khu dân cư. Tuy nhiên, bà Hà cho rằng mức độ thành công của các nhà bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn địa điểm, khu vực và loại hình để ưu tiên phát triển từng giai đoạn.
Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng cho sự tiện lợi có thể xem là "kim chỉ nam" cho sự đổi mới của DN và các kênh bán lẻ, trong đó cần cung cấp cho người dùng một nơi có tất cả sản phẩm và dịch vụ, với giờ mở cửa lâu hơn, đặc biệt là bán các thực phẩm tươi hoặc nguyên liệu sơ chế, thực phẩm chế biến sẵn.
Đối với các DN nhỏ và vừa, cần phải xác định khách hàng là mục tiêu. Nếu như những "ông lớn" nhắm vào rất nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, DN nhỏ phải xem khách hàng nào là quan trọng nhất, từ đó đưa ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp và kênh tiếp cận thích hợp nhất.
Nhìn lại sự thất bại của không ít hệ thống cửa hàng tiện lợi trong thời gian qua, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng các cửa hàng tiện lợi phải đặt mục tiêu về giá và chất lượng song hành cùng nhau nếu muốn cạnh tranh. Đặc biệt, khác biệt chính là điểm thu hút khách hàng, có khác biệt thì mới mong thành công.
Thy Lê