Đây là minh chứng rõ nhất khi so sánh về cục diện cạnh tranh giữa nhà bán lẻ trong nước so với khối ngoại.
Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen về xu hướng mua sắm toàn cầu mới đây cho thấy, trung bình người Việt mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 4,5 lần/ tháng, tăng mạnh so với năm 2010 (1,24 lần/tháng). Đây cũng là kênh mua sắm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 8 năm qua.
Khối ngoại nắm lợi thế
Ông Gaurang Kotal, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam, lý giải người mua hàng ở thành thị có ít thời gian, làm việc ở các thành phố đông đúc, phải đối mặt với tắc nghẽn giao thông và sống xa nơi làm việc, họ cần các giải pháp và sản phẩm tiện lợi có thể giúp cuộc sống của mình dễ dàng hơn.
Đặc biệt, với mối quan tâm lớn về nền kinh tế và sự ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm, người tiêu dùng đã tập trung hơn vào việc giảm thiểu lãng phí bằng cách thường xuyên mua ít mặt hàng hơn, giúp giảm số lượng sản phẩm hư hỏng.
Vì vậy, số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2012. Kênh bán lẻ hiện đại này đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt của các "ông lớn" trong và ngoài nước như Co.op Food, Vinmart+, Circle K, Shop & Go, Ministo, Bs Mart, Family Mart và các "đại gia" ngoại mới đặt chân vào Việt Nam như 7-Eleven, GS 25.
Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020. Đến năm 2027, 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng; GS 25 tham vọng mở 2.000 cửa hàng vào năm 2028.
Các thương hiệu Việt cũng tích cực mở rộng thị phần, như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam là Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020. Hay Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) hiện có hơn 270 cửa hàng Co.op Food, hơn 70 cửa hàng Co.opSmile và phát triển thêm mô hình cửa hàng tiện lợi 24h với thương hiệu Cheers.
Năm 2018, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở thêm 170 cửa hàng Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers, đồng thời kết nối tối đa các hình thức mua sắm khác. Cùng với đó, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) với chuỗi cửa hàng SatraFood cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tham gia của nhiều thương hiệu sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt cho mô hình này do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn nắm bắt tốt hành vi tiêu dùng tại đây cũng như xác định thị trường mục tiêu rõ ràng.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam, nhận định các doanh nghiệp (DN) ngoại có xu hướng tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, đại siêu thị: hiện chiếm đến 92% thị phần đại siêu thị và 80% cửa hàng tiện ích.
Điều này cho thấy, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi là mảng mà các nhà bán lẻ nội cần cạnh tranh mạnh hơn nữa với nhà bán lẻ ngoại trong thời gian tới.
Người Việt mua sắm tại cửa hàng tiện lợi trung bình 4,5 lần/tháng |
Hình thành mối liên kết
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, đánh giá cạnh tranh trên lĩnh vực bán lẻ ngày càng khốc liệt, do vậy nếu chỉ bàn tới một vài DN bán lẻ nội địa sẽ chưa đủ, mà cần đặt trong một quy mô phát triển tổng thể về mạng lưới phân phối cả nước.
"Nếu chúng ta mãi tính toán đến việc phát triển từng thương hiệu, ngành bán lẻ trong nước sẽ không lớn lên được. Để làm được việc này, mỗi DN phải chủ động nâng sức cạnh tranh của chính mình", ông Hòa lưu ý.
Đồng thời, hình thành các mối liên kết như liên kết vùng, liên kết sản xuất – phân phối, phân phối – phân phối, bán buôn – bán lẻ. Điều này sẽ giúp giảm giá thành và hàng sản xuất được đảm bảo về đầu ra, tránh tình trạng lãng phí.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, số các DN bán lẻ có năng lực cạnh tranh so với khối ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy đây là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư.
Trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng, ông Phú cho rằng Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch trong cuộc đua bán lẻ giữa DN trong nước và nước ngoài, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại. Cần giảm chi phí cho DN bán lẻ nội khi mà điều kiện tiếp cận vốn còn hạn chế.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân các DN cũng phải tự vươn lên, liên kết với nhau khắc phục những điểm yếu của mình để có thể chống chọi với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các DN nước ngoài.
Hơn nữa, DN cần ứng dụng nền tảng công nghệ mua sắm thời 4.0 vào các hệ thống phân phối. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, nhìn nhận xu hướng chung của thị trường bán lẻ Việt Nam là nhiều dịch vụ khách hàng sẽ được ảo hóa bằng công nghệ thông tin, cho phép nhà kinh doanh biết khách hàng mình là ai, muốn gì trước khi phục vụ họ.
Bằng cách phân tích dữ liệu, nhà kinh doanh sẽ biết trước nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn. Ngành bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt và sẽ còn thịnh vượng hơn nữa. Vấn đề là nhà bán lẻ làm sao cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ trong việc làm chủ công nghệ, làm chủ kênh mua sắm qua mạng.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu. Do vậy, sẽ có thêm nhiều "ông lớn" bán lẻ ngoại nhảy vào, DN Việt nên chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh với những người mới.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM Cần một chính sách tổng hòa để phát triển thị trường bán lẻ trong nước, trong đó các biện pháp hỗ trợ phải đi vào thực chất, tránh tình trạng hỗ trợ chung chung như thời gian qua. Nếu không làm tốt việc phát triển hệ thống phân phối, các DN trong nước sẽ khó có thể chen chân vào "miếng bánh" 180 tỷ USD trong những năm tới. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh. Mà muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh…, tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa nói chung, nông sản-thực phẩm nói riêng. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các cơ chế chính sách này để tiếp tục đề xuất có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa. |