Mới đây, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo điều chỉnh giá bán lần thứ 7. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mỗi đợt điều chỉnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình từ 200-300 đồng/kg, tùy từng loại; cá biệt có loại tăng tới vài nghìn đồng/kg.
Dịch COVID-19 làm "đội giá"
Theo đó, từ đầu tháng 5/2021, Công ty Vina Miền Bắc điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 300 - 3.000 đồng/kg, tùy loại. Công ty Cargill Việt Nam tăng giá 250-500 đồng/kg đối với thức ăn cho cá tra, ếch, cá chép. Công ty ABC Việt Nam điều chỉnh tăng từ 330 - 4.000 đồng/kg; Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tăng từ 400 - 5.000 đồng/kg...
![]() |
Cần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi. |
Giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến người chăn nuôi, trong đó có các HTX chăn nuôi phải chịu trận. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) chia sẻ, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn cho cá tăng mạnh. Ngược lại, giá cá tăng rất ít, cộng với thời gian nuôi chậm lớn, kéo dài, khiến chi phí sản xuất tăng, người nuôi thua lỗ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.
Ông Lê Đình Bình, Giám đốc HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú phản ánh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trứng và gà thịt giảm mạnh, khó tiêu thụ. Trong khi đó, từ tháng 8/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 7 lần điều chỉnh tăng, trung bình 1 bao cám 25kg đã tăng 30.000 đồng. Mỗi ngày, HTX xuất 500.000 quả trứng với giá 900 - 1.400 đồng/quả. Trung bình mỗi quả trứng, HTX đang phải bù lỗ 400 đồng. Đây là lý do khiến nhiều hộ không dám tái đàn, dừng chăn nuôi.
Theo lý giải từ Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng là do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới như hiện nay. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng thức ăn chăn nuôi (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường).
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp tác động bao trùm các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhiều nước đưa ra chính sách đóng cửa đã ảnh hưởng đến vận chuyển và hoạt động cảng biển, thiếu hụt nguồn hàng cục bộ.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, dịch COVID-19 khiến tình trạng thiếu container rỗng trở nên trầm trọng làm cho giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng lên. Không chỉ người chăn nuôi mà doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể sẽ bị thua lỗ, thậm chí phá sản vì không phải cứ muốn tăng giá bán cho nông dân là được.
"Đối với ngành chăn nuôi, việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro khi giá thế giới biến động. Cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết sẽ đẩy giá thành lên cao dẫn đến thua lỗ", ông Bình nói.
Tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu
Cục Chăn nuôi dự báo giá thức ăn chăn nuôi chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý II/2021 do giá các nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi trên thế giới hiện vẫn trong tình trạng sản lượng không tăng kịp so với nhu cầu. Giá thức ăn chăn nuôi tăng ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung do chi phí sản xuất tăng, người chăn nuôi không có lãi và thu hẹp sản xuất.
Trước tình hình này, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm "hạ nhiệt" giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo...); Cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Đồng thời, cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho đại gia súc. Nhu cầu tăng thêm cho mục tiêu này là từ 150 - 200 nghìn ha vào năm 2021.
Ngoài ra, áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến nâng cao giá trị và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông, công nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như rơm, cỏ xanh, thân cây ngô, bã dứa, bã sắn, vỏ quả điều, xương và mỡ cá tra, đầu và vỏ tôm...
"Chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn trong nước có thể sản xuất được như chế phẩm probiotics, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP...), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4)", đại diện Cục Chăn nuôi cho biết.
Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, cần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ có dòng ngân sách ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX khi tham gia và phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường. Thị trường có ổn định thì doanh nghiệp, HTX mới an tâm ổn định sản xuất.
Theo các chuyên gia trong ngành, trước áp lực của chi phí thức ăn chăn nuôi, đã đến lúc ngành chăn nuôi cần phát triển theo mô hình chuỗi từ thức ăn chăn nuôi, chuồng trại đến chế biến, phân phối sản phẩm. Điều này sẽ giúp ngành tránh được những rủi ro khi thị trường có biến động khó lường như dịch COVID-19 vừa qua.
Thy Lê
![]() |