Nội các Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc tài chính của Thai Airways sau khi hãng đệ đơn phá sản lên toà án, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha cho biết hôm 19/5. Theo kế hoạch tái cấu trúc, Thai Airways sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và buộc phải sa thải 20.000 nhân viên của hãng.
"Đây là quyết định khó khăn nhưng phục vụ cho lợi ích quốc gia và cộng đồng", ông Prayut tuyên bố. Ông cũng cho biết Chính phủ đã cân nhắc 2 phương án khác là tìm nguồn đầu tư cho Thai Airways hoặc để hãng hàng không này tự phá sản. Tuy nhiên, cả hai phương án sau đó đều bị bác bỏ.
Thủ tướng Thái Lan cũng cho biết việc tái cấu trúc Thai Airways sẽ rất khó khăn vì các giới hạn pháp lý trong luật lao động và doanh nghiệp quốc doanh.
Chính phủ Thái Lan sẽ tái cấu trúc để cứu Thai Airways khỏi phá sản (Ảnh Internet) |
Mặc dù vậy, Thai Airways đã gặp vấn đề từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát do sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không giá rẻ và chi phí cồng kềnh.
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã báo lỗ hàng năm kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2016. Năm 2019, Thai Airways báo cáo khoản lỗ 12,04 tỷ baht (tương đương 377 triệu USD).
“Chính phủ đã xem xét tất cả các khía cạnh… Chúng tôi đã quyết định kiến nghị tái cơ cấu và không để Thai Airways phá sản. Hãng hàng không sẽ tiếp tục hoạt động” - Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 19/5.
Thủ tướng Prayuth bổ sung thêm, hãng hàng không Thái Lan sẽ được các tòa án bảo vệ và một chuyên gia sẽ được chỉ định để giám sát việc tái cấu trúc, nhân viên của hãng hàng sẽ tiếp tục có việc làm.
Thai Airways cho biết kế hoạch sẽ được thực hiện thông qua Tòa án Phá sản Trung ương và hãng sẽ hoạt động như bình thường khi việc tái cấu trúc diễn ra.
“Hãng hàng không quốc gia Thái Lan sẽ không bị giải thể hay bị thanh lý hoặc bị tuyên bố phá sản” - quyền Chủ tịch Thai Airways Chakkrit Parapuntakul tuyên bố. Các hoạt động bao gồm vận chuyển hành khách và hàng hóa sẽ tiếp tục song song với kế hoạch tái cấu trúc.
Tuy nhiên, Thai Airways không phải là hãng hàng không duy nhất lâm vào cảnh đóng cửa bởi dịch COVID-19. Trước đó, 2 hãng hàng không của Colombia là Avianca Holdings và Virgin Australia Holdings cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản từ khi dịch bệnh bùng phát.
Công Trí