Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Betrimex, ngành dừa Việt Nam hiện nay đã tạo ra một hệ sinh thái giá trị, nơi khoa học, công nghệ và sáng tạo hội tụ. Cây dừa được công nhận là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai Đề án phát triển cây dừa đến năm 2030, nhằm khai thác triệt để các lợi thế.
Ngoài dùng uống nước, ăn cơm dừa trực tiếp, dừa còn có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác như dầu dừa, sữa dừa, mỹ phẩm. |
Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa đã tăng trưởng vượt bậc, từ 280 triệu USD lên 1,64 tỷ USD vào năm 2023. Điều này khẳng định giá trị kinh tế ngày càng tăng của các sản phẩm từ dừa, bao gồm nước dừa, dầu dừa, sữa dừa, mỹ phẩm và các phụ phẩm như lá, vỏ, thân dừa dùng làm nguyên liệu trang trí, đồ thủ công mỹ nghệ. Mỗi bộ phận của cây dừa đều có thể tận dụng, không bỏ phí bất kỳ phần nào.
Ngoài giá trị kinh tế, cây dừa còn đóng góp đáng kể vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Theo các nghiên cứu, mỗi ha dừa có thể hấp thụ khoảng 75 tấn CO2 mỗi năm, giúp giảm thiểu tác động của khí nhà kính. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tiềm năng của cây dừa trong việc cung cấp tín chỉ carbon sẽ còn gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định ngành dừa vẫn còn hạn chế về năng suất và giá trị gia tăng do công nghệ chế biến yếu và liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng một chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững cho ngành dừa. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào nhà máy chế biến chuyên sâu, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tỉnh Bến Tre, thủ phủ dừa của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này. Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã xây dựng vùng dừa sản xuất hữu cơ tập trung với diện tích hơn 20.000 ha, trong đó gần 13.000 ha đã đạt chứng nhận quốc tế. Chính quyền tỉnh cũng hỗ trợ người dân về giống, khoa học kỹ thuật và cơ chế để phát triển vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn xuất khẩu.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho rằng chiến lược phát triển ngành dừa cần gắn liền với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các giống dừa chịu hạn, kỹ thuật thu hoạch bền vững và các sản phẩm phụ từ dừa cần được tận dụng triệt để. Ngoài ra, phát triển du lịch nông thôn thông qua các tour tham quan trang trại và workshop chế tác từ dừa cũng là cách gia tăng giá trị kinh tế.
Tại Hội thảo, ông Nuwan Chinthaka, Phó Chủ tịch Cộng đồng Dừa Quốc tế, nhận định nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dừa trên thế giới đang tăng nhanh, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ngành dừa Việt Nam còn khá non trẻ so với các nước trong khu vực và cần phát triển mạnh mẽ hơn để khẳng định vị thế.
Để phát triển bền vững, ngành dừa cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức nghiên cứu. Việc đầu tư vào công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu, và phát triển thị trường xuất khẩu là các yếu tố then chốt để nâng tầm ngành dừa Việt Nam.
Từ một loại cây trồng truyền thống, cây dừa giờ đây đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới và tiềm năng phát triển bền vững. Với chiến lược đúng đắn và sự phối hợp đồng bộ, ngành dừa Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển nông thôn bền vững.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khai thác tiềm năng vàng từ cây dừa, biến nó thành động lực phát triển kinh tế, văn hóa và môi trường, đồng thời khẳng định vị thế trong ngành dừa quốc tế.
Hồng Hương